Thay đổi tư duy của nông dân qua chương trình sản xuất chè TháiNguyên đạt OCOP
Cập nhật ngày: 10/09/2020 08:17 (GMT +7)
Vùng nguyên liệu để sản xuất sản phẩm Thanh Hải Trà Thái Nguyên của HTX Chè Thái Nguyên La Bằng được chăm sóc, thu hái theo quy trình VietGAP.
Vùng nguyên liệu để sản xuất sản phẩm Thanh Hải Trà Thái Nguyên của HTX Chè Thái Nguyên La Bằng được chăm sóc, thu hái theo quy trình VietGAP.
Thời gian qua, huyện Đại Từ đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), và đến nay đã đạt những kết quả bước đầu, trở thành địa phương có số lượng sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt sao nhiều nhất tỉnh. Từ đây, mở ra cơ hội để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.
Xác định Chương trình OCOP là nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của nông dân, từng bước tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từ năm 2018, huyện Đại Từ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP đến các xã, thị trấn. Để thực hiện Chương trình, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, trên hết là phải đảm bảo chất lượng, quy định về an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sản phẩm phải có tên, bao bì ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa theo quy định, được niêm yết giá... Điều này buộc nhà sản xuất phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, giá trị thương hiệu.
Chính vì thế, cùng với việc tuyên truyền, huyện đã vận động người dân thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Chỉ đạo các địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, chủ hộ sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu...
Trong hơn 20 sản phẩm Chè Thái Nguyên của HTX Chè Thái Nguyên La Bằng, đến nay đã có 3 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt sao là: Thanh Hải Trà Thái Nguyên; Đinh Tâm Trà Thái Nguyên; Trà Thái Nguyên La Bằng. Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX cho biết: Những sản phẩm này chúng tôi sản xuất từ lâu, cũng được áp dụng quy trình sản xuất an toàn, đóng gói, ghi nhãn... song chỉ là tự làm mà không được cơ quan nào đánh giá, công nhận chất lượng, nên quá trình tiêu thụ gặp khó khăn khi đưa vào các trung tâm thương mại lớn hoặc mang đi xuất khẩu. Khi huyện triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tôi thấy đây là bước đi quan trọng để phát triển sản xuất, vì thế tôi đã tiên phong đăng ký thực hiện. Đến nay, 3 sản phẩm OCOP của HTX đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn trong cả nước.
Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP tuy có gặp khó khăn nhất định, song với suy nghĩ đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nên HTX Chè Thái Nguyên an toàn Sơn Thành, có địa chỉ ở xã Phú Lạc cũng đã quyết tâm thực hiện. Đồng hành với sự cố gắng của HTX là sự hỗ trợ của huyện trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa để sản phẩm được tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm được tổ chức trong và ngoài nước. Đơn vị cũng được cán bộ huyện hướng dẫn, định hướng sản phẩm. Nhờ đó đến nay, HTX đã có 1 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao. Đây là động lực để HTX hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Ngoài 2 HTX nói trên, trên địa bàn huyện hiện có 8 sản phẩm của 4 đơn vị được cấp chứng nhận đạt sao của Chương trình OCOP. Trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao. Đồng chí Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Điều đáng ghi nhận là khi được chọn tham gia Chương trình, các đơn vị đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, thay đổi hẳn tư duy làm nông nghiệp. Nếu như trước đây, người dân vẫn giữ cách thức sản xuất cũ, ít quan tâm đến xây dựng thương hiệu, thì nay đã chuyển sang sản xuất tập trung, quy mô lớn và chú trọng các khâu sản xuất hơn.
Có thể khẳng định, việc xây dựng sản phẩm OCOP là hướng đi đúng, bởi khi sản phẩm được các cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng thì người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng hơn, đây được xem như một “tấm vé thông hành” để sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu ra nước ngoài. Chính vì lẽ đó, các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất đều mong muốn sản phẩm của mình được công nhận, gắn sao, qua đó khẳng định thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều sản phẩm nông nghiệp được công nhận, song đến nay các sản phẩm OCOP của huyện mới chỉ gói gọn ở lĩnh vực sản xuất Chè Thái Nguyên, còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP. Vì thế, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các địa phương, đơn vị tham gia Chương trình. Cùng với quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xem xét, nghiên cứu điều kiện, thế mạnh các địa phương đơn vị để lựa chọn xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí. Ngoài sản phẩm Chè Thái Nguyên, huyện sẽ mở rộng ra các sản phẩm khác như: Tinh bột nghệ, nhãn, bưởi... Qua đó, không những khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét