Phụ nữ vùng Chè Thái Nguyên quyết tâm làm giàu
Dẫn chúng tôi đi thăm Tổ hợp tác trồng và chế biến trà Thái Nguyên an toàn xóm Cây Xanh do Hội Liên hiệp Phữ nữ xã phát động được thành lập năm 2015, chị Dương Thị Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phấn khởi kể: Hai năm qua, hoạt động của tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Hội viên tham gia vào Tổ hợp tác trao đổi ngày công giúp nhau thu hoạch chè đúng thời điểm cho năng suất cao, chất lượng tốt, được hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây chè. Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả đã giúp cho từng hội viên phụ nữ trong xóm vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất, đồng ruộng của mình.
Trao đổi cùng chúng tôi, chị Lý Thị Hương, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè xóm Cây Xanh cho biết: Xóm có 80/240 hộ trồng chè với khoảng 10ha chè (100% diện tích là chè giống mới). Năm nay, chè của xóm bán được giá hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước. Các hội viên phụ nữ trong tổ không chỉ trao đổi kinh nghiệm cùng nhau mà còn tích cực vận động các hộ dân trong xóm thay thế diện tích chè cũ cằn cỗi bằng giống mới, trồng chè và áp dụng quy trình chăm sóc an toàn để nâng cao năng suất, hạn chế sâu bệnh và đặc biệt là nâng cao diện tích trồng chè an toàn.
Thực tế tại một số gia đình hội viên phụ nữ trong xóm, chúng tôi nhận thấy nhờ tham gia Tổ hợp tác trồng và chế biến chè an toàn, nhiều gia đình đã nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo hướng an toàn, từ đó thu nhập từ sản phẩm cũng được nâng lên. Gia đình chị Hà Thị Hường là một ví dụ. Với 5 sào chè giống LDP1, thời điểm này, nhà chị đang tập trung làm chè vụ đông để bán dịp Tết. Đây là vụ giá chè cao nhất nên ban ngày gia đình chị đi hái chè đổi công, chiều đến đi thu mua rơm rạ về dấp vào gốc chè, sáng tưới nước giếng khoan (tưới vừa đủ) để giữ độ ẩm cho cây chè. Giá bán 1 kg chè khô (giống chè cành) hiện nay của gia đình là 300.000 đồng, cao hơn năm trước 10-15%.
Chị Lý Thị Hương cho chúng tôi biết thêm, tháng 10-2015, xóm đã thành lập Tổ hợp tác chè Cây Xanh với 50 thành viên. Mặc dù chưa được công nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên, thời gian qua, những người làm chè trong xóm luôn chú trọng sản xuất chè đảm bảo theo quy trình VietGAP để giữ uy tín với khách hàng và đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân. Nhân dân trong xóm rất vui mừng được UBND tỉnh công nhận Làng nghề chè. Chúng tôi quyết tâm gắn kết các thành viên trong tổ hợp tác, vận động bà con mở rộng diện tích trồng chè an toàn, nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Ngoài mô hình Tổ hợp tác trồng và chế biến chè an toàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quyết Thắng còn thành lập mô hình Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải xóm Sơn Tiến với 8 thành viên tham gia. Trên tinh thần tự nguyện, hàng ngày chị em đều đặn đẩy xe đi thu gom rác thải trên địa bàn toàn xóm. Từ khi thành lập mô hình tổ tự quản này, việc bảo vệ môi trường trong xóm được cải thiện, không còn rác thải ô nhiễm, đời sống và sức khỏe của nhân dân được bảo đảm. Trên đây chỉ là hai mô hình tiêu biểu trong nhiều mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quyết Thắng đã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua.
Từ nhận thức sâu sắc ý nghĩa tầm quan trọng của mô hình “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực triển khai, ban hành các kế hoạch, hướng dẫn xây dựng mô hình “Dân vận khéo”.Để các phong trào đi vào chiều sâu, công tác tuyên truyền được Hội chú trọng hàng đầu, dưới nhiều hình thức thiết thực thông qua các hội nghị tập huấn nghiệp vụ Hội, lồng ghép với các hội nghị giao ban, sinh hoạt chuyên đề, từ đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực, hưởng ứng tham gia thực hiện phong trào. Hội cũng làm tốt việc lựa chọn, đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, gương mẫu trong việc bàn giao mặt bằng tạo điều kiện cho các dự án lớn của tỉnh, thành phố triển khai trên địa bàn thuận lợi.
Cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn chú trọng triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ công tác Hội. Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên trong thực thi công vụ, tạo sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh. Những kết quả thiết thực mà phong trào thi đua "Dân vận khéo" của các cấp Hội phụ nữ xã Quyết Thắng đạt được trong thời gian qua đã phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của cán bộ, hội viên, phụ nữ, tạo sự đồng thuận, chung tay thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn T.P Thái Nguyên…
Nghề trồng, chế biến chè đã có mặt trên đất Trung Thành từ những năm 70 của thế kỷ trước khi những người dân ở Hà Nam, Thái Bình… lên đây xây dựng kinh tế mới. Trước đây, người dân sản xuất chè ồ ạt và làm theo cảm tính, kinh nghiệm là chính, máy móc làm chè cũng thô sơ nên sản phẩm làm ra thô mộc, giá trị thấp. Mặc dù chè là cây trồng chính của 90% người dân trong xóm, bà con vất vả làm lụng quanh năm nhưng thu nhập lại chẳng đáng là bao. Không ít người chán nản bỏ chè chuyển sang làm việc khác.
Trước thực trạng đó, chị Xuyến và một số người dân trong làng nghề đã tìm đến các vùng chè đặc sản nổi tiếng trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi trở về, chị đã mạnh dạn chuyển đổi 100% diện tích chè trung du của gia đình (2.000m2) sang trồng thử nghiệm các giống chè Thái Nguyên cành có năng suất cao như: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên…, cùng với đó là áp dụng kỹ thuật chăm sóc chè an toàn, thực hiện nghiêm các quy định về bón phân, đảm bảo thời gian cách ly hợp lý. Thấy vườn chè xanh tốt, mỡ màng, đều búp, nhiều người đã tìm đến chị Xuyến để học hỏi kỹ thuật. Dần dần, diện tích chè cành trong xóm đã chiếm trên 60% tổng diện tích chè kinh doanh (gần 20ha), nhưng quan trọng hơn là người dân đã dần thay đổi tập quán canh tác, chuyên tâm chăm sóc chè. Chị Xuyến tâm sự: Trồng chè an toàn không có nghĩa là không dùng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh mà cần hiểu rằng nên dùng phân gì, thuốc bảo vệ thực vật ra sao, thời gian cách ly bao lâu để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Để người dân tin tưởng làm theo tôi đã dùng việc sản xuất thực tế để chứng minh và bước đầu đã thành công.
Trên cơ sở đó, đầu năm 2016, chị Xuyến đã đứng ra kêu gọi hơn 30 người dân trong làng nghề để thành lập Tổ hợp tác chè VietGAP thực hiện sản xuất trên diện tích gần 12ha. Bên cạnh việc hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các quy định an toàn trong trồng, chế biến chè, chị Xuyến cùng các hộ thành viên còn thống nhất xây dựng quy chế hoạt động của Tổ. Trong đó, đáng chú ý là việc giám sát chéo giữa các hộ thành viên. Cụ thể, các thành viên tự kiểm tra, giám sát lẫn nhau, nếu hộ sản xuất vi phạm như: Phun thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, lạm dụng phân hóa học, vứt rác thải bừa bãi trên nương chè… sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng để đưa vào quỹ hoạt động chung của Tổ. Qua đây, góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Khi đã có được sản phẩm chất lượng, chị Xuyến cùng với bà con đi khắp nơi để tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường cũng như tích cực tham gia các lễ hội, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, sản phẩm của Làng nghề đã được nhiều khách hàng xa gần biết đến và đạt được nhiều thành tích như: Búp chè Vàng tại Festival chè Thái Nguyên năm 2015, Chứng nhận thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018… Đặc biệt, năm vừa qua, Làng nghề chè Trung Thành 2 đã vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh “Đơn vị kinh tế - Làng nghề tiêu biểu Việt Nam năm 2018”.
Ngoài làm Trưởng Làng nghề, Tổ trưởng tổ hợp tác, chị Tống Thị Xuyến còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội Chữ thập đỏ xóm. Gắn bó với bà con trong các hoạt động đoàn thể, xã hội cũng như trong sản xuất, chị thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của từng người. Tại các đợt tiếp xúc cử tri hay các cuộc họp ở xã, huyện được tham gia, chị đã mạnh dạn đề xuất những mong muốn của người dân. Qua đó, nhiều hỗ trợ của tỉnh, huyện đã đến với Làng nghề chè xóm Trung Thành 2, như: Hỗ trợ xây dựng 700m đường bê tông vào làng nghề các năm 2016, 2017 từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ 23 máy sao chè, 36 máy vò chè từ Đề án triển khai nhân rộng làng nghề điểm năm 2018; hỗ trợ xây hệ thống tưới nhỏ giọt, trang Web… Từ đây, người dân Làng nghề đã có thêm điều kiện để nâng cao, mở rộng sản xuất, năng suất trung bình đạt 11 tấn/ha/năm. Nếu như trước đây, giá chè bấp bênh, xuống thấp chỉ đạt 70-80 nghìn đồng/kg thì nay giá bán chè trung bình của Làng nghề đã đạt 200-250 nghìn đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh, cho biết: Với vai trò là Trưởng Làng nghề chè xóm Trung Thành 2, chị Tống Thị Xuyến đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển làng nghề cũng như nâng cao giá trị sản phẩm chè. Chị Xuyến không chỉ tiên phong trong việc nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, phát triển sản phẩm mới, mà còn góp phần đoàn kết, khâu nối các thành viên trong làng nghề, đồng thời là đầu mối góp phần giúp làng nghề tiếp cận với các dự án, đề án được hỗ trợ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét