|
Thu hái chè tại xã
Phúc Thuận (Phổ Yên).
|
Từ rất lâu, sản phẩm chè Thái Nguyên đã khẳng định thương hiệu,
được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Nhãn hiệu tập thể “chè Thái
Nguyên” cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng
bảo hộ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)
đối với sản phẩm chè mang nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” vẫn còn khá phổ
biến.
Trải qua gần 100 năm có mặt trên đất Thái Nguyên, cây chè đã trở
thành cây trồng chủ lực của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 21 nghìn héc-ta chè,
trong đó diện tích chè kinh doanh chiếm khoảng 18 nghìn héc-ta, sản lượng chè
búp tươi đạt trên 190 nghìn tấn/năm. Những năm qua, tỉnh ta ngày càng dành
nhiều sự quan tâm đến hoạt động thực thi quyền SHTT đối với sản phẩm chè. Bên
cạnh nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên”, tỉnh đã thực hiện thủ tục để Cục Sở
hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm chè: La
Bằng, Trại Cài, Vô Tranh, Phổ Yên và Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm
chè của 3 xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên). Đồng thời, các
cơ quan đầu mối của tỉnh đã chủ động và phối hợp giải quyết, xử lý các vi phạm
về SHTT, từng bước tác động làm lành mạnh môi trường kinh doanh chè trên địa
bàn, góp phần bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, người
tiêu dùng và góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm chè. Đến nay,
toàn tỉnh có 436 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu
tập thể “chè Thái Nguyên”, trong đó có 6 công ty, 4 doanh nghiệp tư nhân, 9 hợp
tác xã, 3 tổ hợp tác, 1 câu lạc bộ, 3 đại lý chè và 395 gia đình. 7/9 huyện,
thành, thị đã có tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “chè Thái
Nguyên”. Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho biết: Thông qua
các hoạt động thực thi quyền SHTT và quảng bá sản phẩm của tỉnh, sản phẩm chè
Thái Nguyên ngày càng khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng. Nhiều tập
thể, cá nhân đã có ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương
mại tiêu thụ sản phẩm, kết hợp giữa sản xuất, kinh doanh chè với phát triển du
lịch, văn hoá truyền thống…
Tuy nhiên, trên thực tế, việc vi phạm quyền SHTT đối với sản
phẩm chè vẫn còn xảy ra. Các cơ quan thực thi quyền SHTT, chủ sở hữu còn gặp
khó khăn, hạn chế trong việc bảo vệ quyền SHTT đối với sản phẩm đã được bảo hộ.
Tại các huyện, hoạt động bảo đảm quyền SHTT chủ yếu dừng lại ở mức phổ biến văn
bản pháp luật và hướng dẫn thủ tục đăng ký, chưa đủ điều kiện bảo đảm quyền
SHTT đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa có cán bộ chuyên trách
riêng lĩnh vực SHTT nên công tác triển khai gặp nhiều hạn chế. Ông Lê Tất
Chiến, Phó phòng Quản lý và Phát triển tài sản trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ)
phân tích: Theo Luật Sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận
quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” mới được ghi trên nhãn mác
bao bì nhãn hiệu “chè Thái Nguyên”, nhưng trên thực tế, tỉnh Thái Nguyên có tới
34 doanh nghiệp, 23 hợp tác xã, 85 làng nghề với gần 60 nghìn hộ tham gia sản
xuất chè thì mới có 436 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn
hiệu tập thể “chè Thái Nguyên”, chiếm chưa tới 1%.
Còn bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân
Cương Hoàng Bình, ở xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Chỉ dẫn địa lý
“Tân Cương” cho chè Tân Cương bao gồm vùng địa danh tương ứng với 3 xã Phúc
Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương (T.P Thái Nguyên) có tổng diện tích 4.861,8ha,
nhưng chúng tôi cũng thấy nhãn hiệu “chè Tân Cương” ghi trên biển hiệu, bao bì
của rất nhiều đơn vị kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Điều này dẫn đến khó quản
lý chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu chè Tân Cương và gây khó khăn
cho các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè có chất lượng.
Theo phân tích của các đơn vị chuyên môn, tình trạng vi phạm
quyền SHTT do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp, tổ chức,
cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ việc cần tự bảo vệ uy tín, thương hiệu, trong
khi năng lực hoạt động của hệ thống quản lý Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu;
khả năng bảo vệ quyền SHTT của các cơ quan thực thi còn hạn chế; hệ thống cơ sở
dữ liệu và trang thiết bị phục vụ việc khai thác thông tin SHTT của tỉnh chưa
có… Bà Lê Thị Thuỷ ở Làng nghề chè Thác Dài, xã Vô Tranh (Phú Lương) cho biết:
Tôi sản xuất và kinh doanh chè nhiều năm nhưng vẫn chưa nắm được các quy định
trong việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chè.
Để nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT đối với sản phẩm chèThái Nguyên, ông Nguyễn Văn Vỵ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ
thuật tỉnh kiến nghị : Cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao
nhận thức cho công chúng về Luật SHTT, khi trình độ nhận thức của người dân về
SHTT càng cao thì ý thức chấp hành pháp luật trong thực thi quyền SHTT sẽ được
nâng lên và tình trạng vi phạm sẽ giảm. Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị chức
năng cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, để ngăn
chăn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đã
được bảo hộ trên địa bàn.
Tăng cường hiệu quả thực thi quyền SHTT cho các sản phẩm chè đã
được bảo hộ của tỉnh là hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao uy tín, giá trị
của sản phẩm trên thị trường, gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè của
tỉnh. Và để thực hiện được điều này rất cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt
của các ngành chức năng, đơn vị, đặc biệt là các tập thể, cá nhân kinh doanh,
sản xuất chè trên địa bàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét