Nói đến chè Thái Nguyên, người ta nghĩ ngay tới những vùng chè nổi
tiếng: Tân Cương, La Bằng hay Trại Cài, Khe Cốc… Nhưng giờ đây, mọi người lại
được biết thêm một vùng chè đặc sản nữa, đó là chè Thác Dài. Chè Thác Dài có vị
đượm, thơm, ngon không kém bất cứ vùng chè đặc sản nào trong tỉnh. Người làm
chè ở đây vẫn giữ được những nét đặc trưng của kỹ thuật chế biến chè truyền
thống.
Thác Dài là một trong
hai làng nghề điểm của tỉnh, nằm cách trung tâm xã Tức Tranh (Phú Lương) 2km về
phía Đông. Khi được biết đây là vùng chè đặc sản đang trong quá trình xây dựng
thương hiệu, tôi đã rất tò mò muốn trực tiếp đến Thác Dài để thưởng thức hương
vị chè thơm ngon ngay tại nơi sản xuất và muốn biết bí quyết làm chè đặc sản
của các nghệ nhân.
Đường vào Thác Dài tuy
nhỏ nhưng được thảm bê tông phẳng lỳ. Cổng làng đang được xây dựng với dòng chữ
"Làng nghề chế biến chè Thác Dài". Hai bên đường là những dãy đồi
hình bát úp nằm sát nhau và đều được phủ kín bởi màu xanh của chè và rừng
trồng. Gần như đâu có đất là chỗ đó có chè. Người dân trong xóm còn đưa cả cây
chè (chủ yếu là chè cành) xuống những chân ruộng cao thay thế những cây trồng
một vụ, hiệu quả thấp. Cả xóm Thác Dài có 60 hộ dân thì cả 60 hộ đều trồng chè
và sống vào nghề làm chè. Diện tích trồng chè của xóm hiện có 25ha, vượt quá
nửa diện tích đất tự nhiên, trong đó có 6ha chè cành. Bà con ở đây chủ yếu là
người miền xuôi từ các tỉnh Hà Tây (cũ), Hưng Yên lên lập nghiệp từ những năm
60 của thế kỷ trước. Công dân của xóm là những người rất chịu thương, chịu khó,
biết tận dụng từng thửa đất, mảnh đồi để trồng chè. Ngày ngày họ cùng nhau lên
đồi chăm bón, thu hái chè tươi, tối về nhà nào nhà nấy thắp điện sáng lên sao
chè. Vào thời điểm chính vụ, nhiều nhà đã cắt cử người thay phiên nhau sao, vò
chè đến tận sáng hôm sau để kịp giao hàng cho khách.
Do có điều kiện thổ
nhưỡng, nguồn nước phù hợp, cộng với áp dụng kịp thời các tiến bộ kỹ thuật nên
cây chè ở đây phát triển nhanh, đều, búp chè to mập, xanh mượt, vị ngọt mát
khác thường, nhiều vùng chè không có. Người làm chè trong làng luôn tuân thủ
nghiêm ngặt kỹ thuật chăm bón, thu hái và sao sấy sao cho vừa đảm bảo quy trình
sinh trưởng, phát triển của cây chè, vừa tạo ra những sản phẩm chè hảo hạng.
Đặc biệt, các nghệ nhân trong làng nghề không bao giờ dễ dãi, chạy theo thị
trường, tự đánh mất uy tín của những sản phẩm làm ra.
Để đạt được mong muốn
tìm hiểu bí quyết làm chè của các nghệ nhân trong làng, chúng tôi đã mất cả
buổi tò mò tìm hiểu, đến nhà ai cũng hỏi, cũng xem và ghi chép cẩn thận. Nhà
đầu tiên chúng tôi đến là gia đình anh Nguyễn Văn Hà, một trong những công dân
trẻ có uy tín trong nghề làm chè thái nguyên đặc sản của làng. Năm nay anh mới ngoài 30
tuổi những cũng có thâm niên gần 20 năm trực tiếp làm chè. - Anh có bí quyết gì
để làm chè đặc sản? Tôi hỏi. Vừa đưa chén chè xanh nóng hổi về phía tôi, anh Hà
vừa nói: Muốn có chè ngon phải làm tốt cả quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu
hái, sao vò và lấy hương. Nhà tôi có 2.000m2 chè, mỗi năm hai lượt bón phân
đạm, lân và mỗi lứa một lần bón phân kali, thấy cây phát triển nhanh, cho nhiều
búp. Về thu hái, gia đình luôn tuân thủ quy trình hái một tôm hai lá, hái đến
đâu hết đến đó. Sao, vò và lấy hương là khâu quan trọng nhất. Mỗi mẻ chè cho
vào tôn quay chỉ nên cho vừa đủ khoảng 2,5kg để đảm bảo sao ốp, sau đó cho ra
vò. Cứ được hai mẻ như vậy lại gộp vào thành một mẻ mới để sao thành phẩm. Cuối
cùng là khâu lấy hương, lúc này lượng chè trong tôn phải nhiều lên, khoảng
4-5kg. Đảm bảo được quy trình này thì cánh chè sẽ rất xanh, được nước, có mùi
thơm và vị ngậy.
Nơi tiếp theo chúng
tôi đến là nhà anh Trần Văn Quý có diện tích trồng chè trên 5 nghìn m2, trong
đó 1 nghìn m2 chè cành. Khi được hỏi về làm chè đặc sản, anh niềm nở cho biết:
Khi đã ở vùng chè ngon, chỉ cần tuân thủ mấy điểm sau là có thể chế biến được
chè đặc sản: Thứ nhất, bón phân cân đối để búp chè luôn xanh và tươi. Trong chế
biến từ sao, ốp, lấy hương cần yêu cầu chè phải khô kiệt, không được sống thì
cánh chè mới ròn, thơm và được nước…
Được công nhận làng
nghề chế biến chè từ cuối năm 2008, giờ đây người dân trong xóm đang nỗ lực xây
dựng thương hiệu chè Thác Dài với mong muốn tạo tiếng thơm chung cho các sản
phẩm mang tên "chè Thái". Để tạo dựng thương hiệu, mỗi gia đình đều
cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm chè làm ra. Ông Phạm Văn Nang, Trưởng xóm
và cũng là một trong những hộ dân làm chè có hạng của xóm cho biết: Với diện
tích chè gần 1ha, mỗi lứa gia đình tôi thu được khoảng 2 tạ chè búp khô. Ngay
từ đầu, gia đình tôi đã xác định đưa 100% diện tích vào chế biến chè đặc sản.
Làm ra đến đâu khách về tận nhà mua hết đến đó. Nhiều khách mua số lượng lớn
phải đặt trước mới có hàng. Từ cây chè, mỗi năm gia đình ông Nang thu về khoảng
70 triệu đồng. Về phát triển làng nghề và xây dựng thương hiệu chè thái nguyên Thác Dài,
ông Nang cho rằng, từ trước đến nay người dân trong xóm chỉ biết nhà nào nhà nấy
làm, tự học, tự mày mò. Người có kinh nghiệm, bí quyết làm được chè ngon thì
bán với giá cao, còn lại đều mang ra các chợ bán chè mộc, giá rẻ. Bởi vậy, việc
tạo thành mối liên kết cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè ở Thác Dài bấy
lâu nay rất lỏng lẻo.
Để góp phần giải quyết
vấn đề này, tỉnh đã xây dựng dự án về phát triển làng nghề, trong đó Thác Dài
được chọn làm một trong hai làng nghề điểm của tỉnh. Dự án đang được xúc tiến
mạnh mẽ với việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ khoa học công nghệ, bao
tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho làng nghề. Như vậy, tới đây làng nghề
Thác Dài sẽ dần trở thành mô hình sản xuất khép kín mang tính công nghiệp, có
khả năng tự quản cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét