Trà Thái Nguyên sản xuất và tiêu thụ như thế nào?
Từ thực tiễn sản xuất, dự báo tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới, đề án đã đưa ra những định hướng, lộ trình cũng như giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu giữ vững vị trí thống soái của chè Thái Nguyên trên thị trường.
Thực tiễn
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Thái Nguyên, mặc dù tỉnh Thái Nguyên có thế mạnh về sản xuất chè xanh chất lượng cao, diện tích chè lớn, năng suất, sản lượng chè cao, nhưng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sản xuất, sơ chế chủ yếu theo phương pháp truyền thống quy mô hộ, chưa quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo cơ cấu giống, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết hiệu quả giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè với văn hoá, du lịch, di tích lịch sử; tỷ lệ sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP (hoặc GAP khác) còn thấp.
Thái Nguyên sẵn sàng bằng nhiều giải pháp để phát triển bền vững thương hiệu chè |
Công tác quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm đang là thách thức lớn; cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung đầu tư còn hạn chế; chưa có mô hình vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ chế biến công nghiệp, cơ giới hoá còn thấp, chủ yếu là nguyên liệu thô có chất lượng và giá trị kinh tế thấp; chưa thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất - chế biến chè công nghệ cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chế biến, xây dựng thương hiệu còn rất khó khăn; chưa xây dựng được liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; giá trị thương hiệu, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè Thái Nguyên chưa tương xứng với tiềm năng.
Từ thực tế trên, việc xây dựng đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thương hiệu chè Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020" là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm tiếp tục nâng cao giá trị, sức cạnh tranh và khẳng định vị thế là cây đặc sản, thế mạnh của tỉnh.
Chuyển đổi
Thái Nguyên hiện có tổng diện tích chè là 21.127ha, tăng 2.059ha (113,9 %) so với năm 2011. Trong đó, diện tích chè kinh doanh 18.233ha, sản lượng đạt 202.325 tấn, tăng 11.635 tấn so với năm 2011. Năm 2015 là 110,96 tạ/ha, tăng 2,51 tạ/ha so với năm 2011.
Ông Hoàng Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết, từ nhận định, đánh giá tình hình phát triển chè trước đây cũng như xu thế trong tương lai, Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đưa ngành hàng chè đứng đầu cả nước về các chỉ tiêu sản xuất, giá trị và hiệu quả kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường.
Cụ thể, đến năm 2020, diện tích chè của tỉnh đạt 22.000ha, tỷ lệ diện tích chè giống mới đạt 80%; năng suất chè búp tươi đạt 115 tạ/ha; sản lượng 230.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè Thái Nguyên bình quân đạt 170 triệu đồng trở lên (tăng 100 triệu so với hiện nay).
100% diện tích chè thuộc vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn, chất lượng; ít nhất có 30% diện tích sản xuất chè an toàn được chứng nhận VietGAP, GAP khác; thực hiện chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm;
Mỗi huyện, thành, thị là vùng chè trọng điểm của tỉnh (thành phố Thái Nguyên, các huyện Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá, Đồng Hỷ, thị xã Phổ Yên) xây dựng ít nhất một vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; sản xuất chè hữu cơ. 100% cơ sở chế biến chè xanh truyền thống ứng dụng quy trình kỹ thuật mới, cơ giới hoá đảm bảo an toàn thực phẩm; chế biến công nghiệp và chế biến ứng dụng công nghệ cao đạt từ 25% tổng sản lượng chè trở lên.
Giải pháp
Tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra hệ thống các giải pháp để thực hiện đề án. Trong đó, giải pháp mang tính then chốt, đột phá là phát triển vùng sản xuất nguyên liệu chè chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chế biến chè xanh truyền thống và tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp. Mục tiêu là hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích 3.900ha tại thành phố Thái Nguyên, các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hoá, Võ Nhai và thị xã Phổ Yên.
Ảnh: Đồng Văn Thưởng |
Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, sản xuất chè an toàn là đòi hỏi tất yếu, xu thế sống còn quyết định sự phát triển của ngành chè trong thời gian tới. Còn bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX chè Tân Hương, thành phố Thái Nguyên cho rằng, việc xác định giái pháp đột phá cũng chính là mục tiêu cần hướng tới của sản xuất chè. Theo đó, các giải pháp về chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đầu tư và các cơ chế chính sách sẽ là động lực, là cơ sở để hoàn thành mục tiêu trên.
Đề án chè Thái Nguyên 2016 - 2020 đề ra chính sách để thúc đẩy sản xuất. Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết, mức hỗ trợ, khuyến khích sản xuất được đề ra cụ thể cho từng lĩnh vực khẳng định sự quyết liệt, mong muốn đột phá của cơ quan quản lý nhà nước cũng như người làm chè.
Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao kỹ thuật chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; 50% kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm; 100% cho đào tạo tập huấn về xây dựng, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên. Hỗ trợ 50% giá giống chè trồng mới và trồng thay thế; 40% kinh phí xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về vật tư, phân bón, chế phẩm sinh học... Nguồn kinh được xác định để đầu tư thực hiện đề án là hơn 220 tỷ đồng cùng với việc phân công nhiệm vụ cho hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước tham gia thực hiện. Ông Hoàng Văn Dũng cho rằng, đề án chè được xây dựng gắn với định hướng về tái cơ cấu nông nghiệp, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất. Đó là quyết tâm để cải tổ, đổi mới và giữ vững vị trí thủ phủ trà Việt của Thái Nguyên. |
Theo ĐỒNG VĂN THƯỞNG/Nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét