Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Mô hình sản xuất chè hữu cơ bước đầu mang lại hiệu quả cho người nông dân và người tiêu dùng.


Hiệu quả từ liên kết sản xuất chè thái nguyên hữu cơ
12:48 - Thứ sáu, 01/06/2018
KTNT Những năm qua, bên cạnh phát triển công nghiệp, Chè TháiNguyên luôn hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.
 Quét mã QR để xem trên mobile
Lúa hữu cơ được triển khai trên cánh đồng mẫu lớn tại huyện Phú Bình- Thái Nguyên.
Dựa trên  tiềm năng sẵn có, tỉnh luôn  tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là hướng đi vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, vừa dễ dàng tiêu thụ và bảo vệ môi trường.
Cơ hội bứt phá
Thái Nguyên có gần 64.000ha trồng cây hằng năm (trong đó đất trồng lúa trên 47.000ha) và hơn 44.000ha trồng cây lâu năm, trong đó tập trung phần lớn là rừng trồng và cây chè. Vì thế, Thái Nguyên có điều kiện thiết lập mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi hoàn chỉnh từ nghiên cứu, sản xuất đến tiêu thụ
Đặc biệt, mới đây, Thái Nguyên được lựa chọn để triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2035, đây là cơ hội để Thái Nguyên có sự bứt phá về sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với ngành công nghiệp chế biến.
Trước những cơ hội đó, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2017-2021, tập trung sản xuất 5.000ha chè ở các địa phương: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên; 500ha rau ở Đại Từ, Đồng Hỷ, TP. Sông Công, TP. Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên; và 250ha lúa ở Phú Bình theo hướng hữu cơ.
Thu lãi cả trăm triệu đồng/ha
Chè Thái Nguyên đã có tiếng từ lâu. Mô hình sản xuất chè hữu cơ bước đầu mang lại hiệu quả  cho người nông dân và người tiêu dùng.
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) với 4 hộ nông dân tham gia, quy mô sản xuất 5ha.
Để thực hiện mô hình, Trung tâm đã liên kết với Công Ty CP Ntea Chi nhánh Thái Nguyên.
Chè đang ở giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, năng suất chè búp tươi đạt 5,6 tấn/ha. Sản xuất chè hữu cơ thu cả lá bánh tẻ, lá già và các bộ phận cây chè, tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Công ty thu mua với giá 50.000 đồng/kg, cao hơn 30.000 đồng/kg so với  thị trường. 1ha chè hữu cơ, người dân thu lãi 248 triệu đồng, cao hơn sản xuất chè thông thường tại địa phương 48 triệu đồng.
Bên cạnh đó, mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ) của công ty TNHH Thương mại - Xuất khẩu Thái Minh cũng mang lại hiệu quả ban đầu cho người dân.
Ông Nguyễn Trọng Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thái Hưng (xã Văn Hán), cho biết, tổ có gần 2,5ha chè, 100% là chè cành. Mặc dù mới áp dụng trồng chè hữu cơ gần một năm nay, song các thành viên trong tổ đều nhận thấy việc trồng chè theo hình thức này thực sự an toàn, sản phẩm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, giá bán cao gần gấp đôi so với sản xuất chè thông thường.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, mô hình chè hữu cơ triển khai tại xóm Văn Hữu đã đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra là liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng; góp phần thay đổi phương thức canh tác, nâng cao ý thức sản xuất vì cộng đồng cho người nông dân.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với Công ty CP Ntea Chi nhánh Thái Nguyên mở rộng quy mô; giúp các hộ nông dân thành lập tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ để liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tới khi được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm chè hữu cơ. Đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất chè hữu cơ cũng như xây dựng các mô hình sản xuất lúa, rau hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả từ cánh đồng mẫu lớn
Sau cây chè TháiNguyên cũng thành công ban đầu với mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa tại xã Tân Đức (huyện Phú Bình). Đã có 144 hộ nông dân tham gia  với diện tích 15,5ha trên cánh đồng chung 3 xóm (xóm Ngoài, xóm Viên, xóm Trại Vàng).
Mô hình sản xuất theo phương thức cánh đồng một giống, sử dụng giống lúa lai ba dòng B-TE1 (hạt ngọc), là giống lúa được trồng nhiều vụ, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; sử dụng phân chuồng cùng với phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh theo nguyên tắc bón phân cân đối, hợp lý cho cây trồng; áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  thì cần lựa chọn  thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc.
Năng suất của giống B-TE1 trong mô hình đạt 224kg/sào, tương đương 62 tạ/ha. Được một doanh nghiệp ký hợp đồng và cam kết thu mua 50% sản lượng, với giá 7.800 đồng/kg, cao hơn thị trường 20%, trừ chi phí, thu lãi là 603.000 đồng/sào (16,7 triệu đồng/ha), cao hơn 200.000 đồng/sào so với cùng giống lúa bán ngoài thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hà, người tham gia mô hình tại xóm Ngoài (xã Tân Đức), cho biết, sản xuất theo hướng hữu cơ, cây lúa khỏe, ít sâu bệnh hơn ngoài mô hình, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên môi trường ruộng lúa sạch hơn, cá, tôm có thể sinh sống. Nhất là giá thành giảm, giá bán cao, ổn định “đầu ra” nên thu nhập cao hơn.
Xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ là tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Dù Thái Nguyên mới chỉ phát triển sản xuất hữu cơ thông qua những mô hình, nhưng đã đạt kết quả vượt trội, rất đáng để học tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét