Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Làm gì để bảo vệ thương hiệu chè “Tân Cương”?


Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Trà Tân Cương Thái Nguyên
Cập nhật ngày: 22/11/2015 10:38 (GMT +7)
Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm chọn lọc của Việt Nam” trong đó có sản phẩm chè Thái Nguyên, chuyên gia Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới khảo sát phương thức chế biến chè tại các hộ xã viên HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân - vùng chè được bảo hộ CDĐL.
Từ lâu, sản phẩm chè Thái Nguyên đã khẳng định thương hiệu, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Đặc biệt, năm 2007, chè Tân Cương là 1 trong 38 sản phẩm trong toàn quốc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Tuy nhiên hiện nay việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với CDĐL “Tân Cương” vẫn còn khá phổ biến, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các văn bản, nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT cho CDĐL “Tân Cương”.
Tình trạng vi phạm SHTT  CDĐL “Tân Cương”

CDĐL “Tân Cương” được cấp cho sản phẩm chè được trồng, chế biến và đóng gói tại 3 xã: Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) với tổng diện tích gần 4900ha. Đây là khẳng định đối với danh tiếng và chất lượng vùng chè Tân Cương, đồng thời là điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, trên thị trường, thậm chí tại các siêu thị lớn mọi người đều dễ dàng nhận thấy nhiều doanh nghiệp đóng gói sản phẩm mang thương hiệu chè “Tân Cương” bày bán. Việc ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm mang CDĐL “Tân Cương” rất lộn xộn, không tuân theo các quy định nên đã gây ra nhiều khó khăn cho quá trình kiểm soát và truy suất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình chia sẻ: Mặc dù CDĐL “Tân Cương” cho sản phẩm chè thuộc vùng địa danh tương ứng với 3 xã Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương, nhưng chúng tôi cũng thấy nhãn hiệu “chè Tân Cương” ghi trên biển hiệu, bao bì của rất nhiều đơn vị kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Điều này dẫn đến khó quản lý chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu chè Tân Cương và gây khó khăn cho các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè có chất lượng.

Cùng đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiểm tra việc sử dụng CDĐL “Tân Cương” tại tại các cơ sở, gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang sử dụng các dấu hiệu liên quan đến CDĐL “Tân Cương” trên bao bì sản phẩm, biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện quảng cáo… Điều đáng nói là chủ các cơ sở này đều không biết mình đang vi phạm quyền SHTT đối với CDĐL “Tân Cương”. Bà Đào Thanh Hảo, chủ cơ sở sản xuất chè Hảo Đạt tại xóm Nam Tân, xã Tân Cương nói: “Tôi sử dụng nhãn hiệu “Tân Cương” cho sản phẩm chè từ nhiều năm nay. Tôi chỉ có suy nghĩ đơn giản là mình là người xã Tân Cương, lại sản xuất, chế biến và kinh doanh chè cũng tại Tân Cương thì chẳng có lý do gì lại không được sử dụng nhãn hiệu “Tân Cương” cho các sản phẩm chè của mình”.

Tuy nhiên, sau khi nghe cán bộ chuyên môn giải thích muốn sử dụng CDĐL này, phải được Sở chấp thuận, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương” thì nhiều hộ mới hiểu vấn đề. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN cho biết: Trong đợt kiểm tra vừa qua, đã có trên 10 cơ sở trên địa bàn vi phạm SHTT CDĐL “Tân Cương”. Mặc dù Sở KH&CN đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác quản lý, sử dụng CDĐL “Trà Tân Cương” song còn bộc lộ một số tồn tại đó là: Hệ thống các văn bản về quản lý CDĐL “Tân Cương” chưa được xây dựng đầy đủ. Chưa xây dựng được các quy định về kỹ thuật sản xuất đối với sản phẩm mang CDĐL “Tân Cương”… Điều này, vô hình chung đã tạo kẽ hở để tình trạng xâm phạm quyền SHTT đối với CDĐL “Tân Cương” đang ngày càng gia tăng cả tính chất và quy mô. Hiện nay, chúng tôi đang thẩm định các hồ sơ của 14 hợp tác xã, cơ sở trồng chế biến chè. Các hộ đạt yêu cầu, Sở sẽ cấp giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương”.

Làm gì để bảo vệ thương hiệu chè “Tân Cương”?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tính đến thời điểm này, Sở KH&CN mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ CDĐL “Tân Cương” cho 86 cơ sở trong và ngoài tỉnh, trong đó có 2 công ty, 1 hợp tác xã, 83 cơ sở sản xuất chè. Trong khi đó, số lượng cơ sở sản xuất và kinh doanh chè có sử dụng nhãn hiệu “Tân Cương” trong tỉnh và cả nước là rất nhiều. Để nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT đối với CDĐL “Tân Cương”, Sở KH&CN vừa chủ trì xây dựng Quy định về quản lý và sử dụng CDĐL “Tân Cương” cho sản phẩm chè. Quy định này đã được gửi đến các sở, ngành, địa phương liên quan để xin ý kiến và đang trình Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành. Quy định này quy định rõ việc quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển CDĐL “Tân Cương” cho sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được Nhà nước bảo hộ. Đảm bảo quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương” hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng; ngăn chặn và chống các hành vi sử dụng trái phép CDĐL “Tân Cương”, sản phẩm mang CDĐL “Tân Cương” đáp ứng các tiêu chuẩn quy định về xuất xứ, chất lượng nhằm duy trì danh tiếng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản mang tính chất quy phạm pháp luật quy định việc quản lý và sử dụng CDĐL “Tân Cương”, với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, đề nghị Sở Kh&CN tiếp tục đẩy mạnh công tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về Luật SHTT. Chỉ khi trình độ nhận thức của người dân về SHTT càng cao thì ý thức chấp hành pháp luật trong thực thi quyền SHTT sẽ được nâng lên và tình trạng vi phạm sẽ giảm. Hiện nay, các vùng chè thái nguyên trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc để có những sản phẩm chè ngon hướng tới Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3. Đây cũng là dịp để nhiều đối tượng trà trộn sản phẩm đóng gói mang thương hiệu vùng chè đặc sản Tân Cương. Hơn lúc nào hết cần đẩy mạnh công tác quảng bá, gắn với kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sâm phạm CDĐL “Tân Cương”. Có như vậy mới phát triển giá trị CDĐL “Tân Cương”, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường nhờ những đặc trưng và danh tiếng của sản phẩm, từ đó làm tăng giá trị sản xuất và thương mại, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét