Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Hội thảo về chất lượng chè trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa chè Việt Nam diễn ra tại Hà Nội


Chè Thái Nguyên đã thực sự hội nhập?
Cập nhật ngày: 17/11/2008 14:07 (GMT +7)
Cách đây 2 năm, tại Hội thảo về chất lượng chè trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa chè Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, khi Hiệp hội chè Việt Nam công bố tên các doanh nghiệp kinh doanh chế biến chè được quyền sử dụng biểu tượng thương hiệu Quốc gia “Chè Việt”, đã khiến những người quan tâm phải ngạc nhiên bởi không có doanh nghiệp chế biến kinh doanh chè Thái Nguyên được gắn thương hiệu “Chè Việt”, trong khi Thái Nguyên vốn nổi tiếng bởi cây chè…

Đó là thời điểm chúng ta đang đứng trước thềm hội nhập, còn giờ đây khi đất nước đã chính thức gia nhập WTO, chè Thái Nguyên đang đứng ở vị trí nào trên lộ trình hội nhập?

Với diện tích hơn 16.000ha, năng suất bình quân đạt 80 tạ chè búp tươi/ha, Thái Nguyên đứng thứ hai toàn quốc sau Lâm Đồng cả về diện tích và sản lượng. Chè Thái được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước, trong đó thị trường nội tiêu chiếm trên 70% sản lượng chè toàn tỉnh. Năm 2005, Thái Nguyên xác định mục tiêu phát triển chè trong giai đoạn 2006 - 2010 là: Tập trung mọi nguồn lực để khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế của cây chè đặc sản Thái Nguyên trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè gắn với công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến… nhằm mang lại sản phẩm đa dạng, an toàn và chất lượng, để chè Thái chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, đến thời điểm này ngành chè vẫn luẩn quẩn trong vòng khó khăn: Giá cả biến động thất thường, nhà máy thiếu nguyên liệu, sản xuất manh mún, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường xuất khẩu chè… Những khó khăn này biểu hiện rõ nhất trong năm 2008 và Công ty Cổ phần chè Thái Nguyên là một ví dụ. Doanh nghiệp này thường xuyên thiếu nguyên liệu nên sản xuất cầm chừng, dẫn đến thu nhập của người lao động không ổn định, mức lương bình quân từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng, nhưng hết vụ chè thì người lao động không có lương.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc cho biết, khó khăn lớn nhất của công ty là thiếu nguyên liệu, do không có nhà máy đặt tại vùng nguyên liệu nên việc thu mua gặp nhiều khó khăn và chịu chi phí lớn cho công tác vận chuyển. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ có thể mua chè tươi ở mức giá từ 3.500 – 3.600 đồng/1kg, trong khi có đơn vị mua với giá từ 4.000 – 5.000 đồng/1kg. Không chỉ có doanh nghiệp gặp khó khăn mà người trồng chè cũng lao đao không kém, hầu hết các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá cả phụ thuộc vào tư thương. Điển hình như việc ảnh hưởng từ trận mưa đầu tháng 11 vừa qua khiến giá chè tại các chợ đột ngột rớt giá từ 35.000 - 40.000 đồng/1kg xuống 18.000 - 20.000 đồng/1kg.

Khó khăn là vậy nhưng vượt lên trên đó chè Thái vẫn đi đến thị trường nhiều nước trên thế giới. Song, đáng nói hơn là khi ra ngoài người ta có nhận ra chè Thái Nguyên hay không, khi mà phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu thô dưới dạng nguyên liệu, đặc biệt khi chè Thái chưa được định vị thương hiệu. Hiện nay, trên toàn tỉnh có tới 31 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè Thái Nguyên, trong đó có 18 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chè Thái ra thị trường các nước Ân độ, Paskistan, Nhật Bản, Trung Quốc, và một số nước châu Âu...

Những doanh nghiệp được coi là mạnh trong lĩnh vực này là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình, Công ty Chè Hà Thái, Công ty Chè Quân Chu, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trung Nguyên… Những năm cuối thập niên chín mươi của thế kỷ trước xuất khẩu chè khô bình quân đạt 8-9 nghìn tấn /năm, năm 2007 sản lượng xuất khẩu giảm xuống còn 6.900 tấn chè khô, giá trị kim ngạch đạt 8 triệu USD, và 9 tháng năm 2008 mới xuất được 4.000 tấn.

Theo nhận định của ông Dương Huy Khải - Trưởng phòng xuất nhập khẩu (Sở Công thương Thái Nguyên), so với cùng kỳ năm 2007 sản lượng xuất khẩu giảm 1.000 tấn và khả năng mức giảm này duy trì hết năm nay. Con số đi theo chiều giảm xuống cũng biểu hiện ở một số doanh nghiệp như Công ty CP chè Quân Chu, trước năm 2006 bình quân doanh nghiệp này xuất 500 tấn chè khô/năm, nhưng năm nay dự kiến chỉ đạt 300 tấn. Như vậy có thế nói sau hội nhập, sản lượng chè xuất khẩu lại có chiều hướng giảm !?

Theo đại diện một số doanh nghiệp, năm nay sức mua giảm ở hầu hết các thị trường, tình hình xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn. Ngay cả đơn vị được coi là đầu tàu xuất khẩu chè Thái ra thế giới là Công ty CP Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình, cũng gặp nhiều khã khăn trong năm nay.

Chè của Công ty Hoàng Bình đã thâm nhập được vào thị trường được coi là khó tính như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Thành, Phó Giám đốc Công ty Hoàng Bình cho biết, năm nay mặc dù lượng xuất khẩu giảm không đáng kể nhưng hiệu quả kém và bị khách hàng nợ tiền nhiều, bên cạnh đó lượng chè đi các thị trường truyền thống như Trung Quốc cũng giảm. Trước đây, chè của Công ty Hoàng Bình xuất đi Trung Quốc luôn duy trì đều đặn 1 container/tuần, năm nay do khó khăn nên không duy trì được tần suất đều đặn này nữa.

Lý do giảm thị phần tại Trung Quốc được lãnh đạo một số doanh nghiệp phân tích và cho rằng: Năm nay, một số tỉnh của Trung Quốc như Vân Nam được vụ chè, chất lượng tốt, nhưng giá rẻ. Trong khi chè xuất khẩu của ta những năm gần đây chất lượng kém... nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng nhập khẩu chè Thái Nguyên. Không giống các đơn vị khác, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trung Nguyên chủ yếu xuất chè đi Trung Đông nên không bị tác động bởi việc mất thị phần ở châu Á và sản lượng không giảm. Song, vẫn gặp khó khăn vì giá xuất khẩu giảm.

Ông Phan Huy Bính, Giám đốc Công ty Trung Nguyên cho biết, do tình hình lạm phát tại một số nước thuộc Trung Đông khiến đồng Rupi mất giá nên giá xuất khẩu giảm từ 1,9USD xuống dưới 1,8USD/1kg chè khô. Tình trạng khó khăn của ngành chè được các doanh nghiệp và các nhà quản lý đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng tựu chung lại là chúng ta chưa tạo được một thương hiệu đủ mạnh để giữ vững thị trường.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp cần tính đến việc tạo thương hiệu để chè Thái Nguyên thực sự có vị thế khi hội nhập. Tuy nhiên, hiện mới có Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình làm thủ tục đăng ký sử dụng biểu tượng thương hiệu Quốc gia “Chè Việt”. Còn nhiều doanh nghiệp khác chưa thể vươn tới thương hiệu này.

Ông Lê Xuân Tình, Giám đốc Công ty Cổ phần chè Quân Chu cho biết, hiện Công ty này chưa nghĩ tới việc được gắn biểu tượng thương hiệu Quốc gia lên sản phẩm của mình, bởi chưa đáp ứng được những yêu cầu về quy trình sản xuất, chế biến chè theo quy định của Hiệp hội chè Việt Nam.

Theo Ban kỹ thuật thuộc Hiệp hội chè Việt Nam, để giành được quyền sử dụng biểu tượng thương hiệu quốc gia Chè Việt Nam, các công ty cần xác định chế độ công nghệ chuẩn của mình, không cắt xén quy trình sản xuất, không làm ẩu từ khâu thu mua nguyên liệu đến chế biến ra thành phẩm và thành phẩm theo TCVN; quản lý thường nhật và kiểm soát gắt gao tỷ mỷ quá trình sản xuất theo quy trình chuẩn đã xác lập; kiểm tra việc sản xuất vệ sinh an toàn đối với tất cả các khâu; cần kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu hóa lý như độ PH, độ cứng, hàm lượng NH4, Fe, Nitơrit, mangan và độ oxy hóa…;  nếu doanh nghiệp bị hạn chế bởi cơ sở vật chất thì nên xác định cho mình lộ trình từng bước hoàn thiện để nhanh chóng tiến tới công nghệ chuẩn hơn, sạch hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT nhận định, sau một năm hội nhập, ngành chè còn nhiều khó khăn thử thách, diện tích phân tán và manh mún, nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu… Bà Ngà cũng cho rằng, để đứng vững các doanh nghiệp phải chuyển sang sản xuất chè an toàn. Còn ông Dương Huy Nam, Trường phòng xuất nhập khẩu (Sở Công thương Thái Nguyên) cho rằng để khắc phục những khó khăn hiện nay và đẩy mạnh xuất khẩu, cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, Hội chè của tỉnh cần phát huy hết vai trò của mình trong việc liên kết các doanh nghiệp, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay, nhằm bình ổn giá và tạo ra những đơn hàng lớn.

 Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn nữa để tạo ra những sản phẩm chè xuất khẩu dưới dạng thương phẩm thực sự, và người trồng chè phải ý thức rằng làm ra sản phẩm sạch và an toàn thì mới có chỗ đứng trên thị trường.

Theo ông Vi Văn Thư - Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho biết, thị trường Trung Quốc không còn… dễ tính, thay vì nhập ồ ạt như trước đây, bạn hàng Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp mang mẫu sản phẩm sang tận nơi để phía bạn thẩm tra chất lượng. Cũng bởi những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt hơn mà các doanh nghiệp bị hạn chế sản lượng xuất khẩu và lợi nhuận thấp do giá rẻ, sức cạnh tranh yếu.

Ông Dương Huy Khải, Trưởng phòng xuất nhập khẩu sở Công Thương Thái Nguyên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc và cho rằng để giữ vững và mở rộng thị trường châu á, các doanh nghiệp phải khẳng định được thương hiệu của mình.

Tuy nhiên, đến thời điểm này thì chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu chè Thái Nguyên trực tiếp (không thông qua ủy thác) có thương hiệu. Sản phẩm của các doanh nghiệp mới dừng lại ở các nhãn hiệu hàng hóa như “Chè Thái Nguyên”, hay tên gọi như Chè đặc sản Tân Cương, Chè Trại Cài… Những nhãn hiệu này phục vụ nội tiêu là chính.

Đối với chè xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp chủ yếu xuất hàng thô, chưa thành phẩm, không thương hiệu. Vì vậy, chè Thái Nguyên sang đến nước khác mới được chế biến thành thương phẩm và chuyển bao bì đóng gói lại, gắn nhãn mác, thương hiệu của của các thị trường nhập khẩu như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan… như vậy nguồn gốc xuất xứ nghiễm nhiên không được tính đến...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét