Trà Thái Nguyên là sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn An toàn
Sản xuất nông nghiệp an toàn hiện đang được dư luận quan tâm, trong đó có sản phẩm chè. Chè Thái Nguyên là một trong những nông sản có vai trò chủ lực của Thái Nguyên nói riêng và của nước ta nói chung.
Thực tiễn đã cảnh báo và có nhiều bài học kinh nghiệm nhãn tiền, đó là, sản xuất mà không quan tâm chất lượng, lấy số lượng làm cạnh tranh chính, không quan tâm tới môi trường thì chúng ta sẽ mất ngay thị trường trong nước. Do đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay chính là sản xuất an toàn vì môi trường và sức khỏe. Khó khăn, thách thức lớn nhất hiện tại là còn tình trạng lẫn lộn “thật, giả”, an toàn và không an toàn vẫn còn chưa tách bạch, việc xử lý những sai phạm còn chậm trễ và chưa triệt để, khiến những người lựa chọn sản xuất an toàn phải đối mặt với rủi ro nếu đầu tư lớn. Vì thế, TS Phan Huy Thông, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến nghị, để làm tốt, một trong những giải pháp hiện nay là tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, cân nhắc bổ sung, sửa đổi thủ tục, quy trình chứng nhận theo hướng động viên, khuyến khích tham gia và tăng chế tài xử phạt… Việc làm này tất nhiên không thể chỉ do mỗi cơ quan quản lý chuyên ngành của nhà nước, lực lượng thanh – kiểm tra mà là sự chung tay, thống nhất mà trước hết cần từ chính người tiêu dùng với thái độ kiên quyết tẩy chay không sử dụng những sản phẩm không rõ ràng, thiếu xuất xứ nguồn gốc và không có các thông số sản phẩm. Làm được như vậy, chắc chắn người sản xuất yên tâm làm tốt đồng thời sẽ có thêm cơ hội mở rộng, thu hút nhiều người làm theo mô hình sản xuất an toàn.
Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất chè an toàn, bà Đỗ Thị Lý, Công ty cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình, Thái Nguyên cho biết, là một trong những công ty đầu tiên xây dựng thương hiệu vùng chè Tân Cương nói riêng và ở Thái Nguyên nói chung, Hoàng Bình Tân Cương đã chi phí rất nhiều để quảng bá cho thương hiệu nhưng đến khi phát triển mạnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cũng tranh thủ sử dụng thương hiệu Tân Cương nên khó để phân biệt. Đó là thách thức đầu tiên, thách thức nữa là khi có hiện tượng tranh bán tranh mua, người nông dân sẽ sẵn sàng từ bỏ đối tác doanh nghiệp đã ký cam kết nếu có sự chênh lệch trong giá cả, đẩy doanh nghiệp sản xuất an toàn vào thế thiếu hụt hoặc mất nguồn nguyên liệu.
Với việc thực thi Luật VSATTP, bà Lý cho rằng, bản thân các DN phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, do đó, đều phải tự xây xây dựng cho mình một chương trình theo hướng gắn kết với bà con nông dân như thế nào để đảm bảo được vùng nguyên liệu an toàn và bền vững. Với Tân Cương Hoàng Bình, doanh nghiệp xây dựng những mô hình HTX liên kết ở trong đó, các chủ nhiệm HTX phải theo dõi quá trình chăm sóc, quá trình thu hái, ngay sau thu hái về cũng phải phân loại A-B-C các nguyên liệu sản xuất cho công ty. Thực tế, kỹ thuật viên của công ty cùng chủ nhiệm HTX đã phân loại ngay từ khâu nguyên liệu cho nên khi sản phẩm về đến nhà máy, một lần nữa kỹ thuật viên lại một lần nữa phân loại những nguyên liệu có đạt tiêu chuẩn A-B-C, Khi sản phẩm không đạt, công ty sẽ trả lại thẳng cho HTX chứ không giảm giá. Chính vì vậy, các chủ nhiệm các HTX phải chịu trách nhiệm và chắc chắn rằng phải làm chất lượng mới được giá thành cao như quy định, còn nếu không đạt được yêu cầu như công ty mà mang sản phẩm đó ra ngoài thị trường thì bán không được giá như đưa vào công ty.
Cũng theo bà Lý, hiện nay, tình trạng sản xuất chè không chỉ ở Thái Nguyên mà tất cả các tỉnh khác đều rất manh mún, mỗi hộ nông dân tự làm chủ diện tích của mình và đây chính là bất cập lớn sẽ lệ thuộc và trông chờ chủ yếu vào ý thức tự giác của người nông dân. Vì vậy, cần mở rộng một mô hình với diện tích rộng lớn, tập trung thống nhất và tuân thủ quy trình khép kín, đảm bảo các chu trình.
Sản phẩm chè Tân Cương, Thái Nguyên. (Ảnh: HNV) |
Quan trọng hơn cả là gia tăng chuỗi liên kết. Để việc liên kết hiệu quả, cần phát huy tối đa đặc tính ưu điểm của từng khâu. Cụ thể, về kỹ thuật, cần các nhà khoa học, về quản lý cần các cơ quan quản lý còn DN thì phải chịu trách nhiệm đầu ra quản lý thị trường và người nông dân phải chịu trách nhiệm về cây trồng và chăm sóc, thu hái. “Trong chuỗi liên kết, nhà nào cũng quan trọng, nếu doanh nghiệp - nông dân - cơ quan nhà nước – nhà khoa học không thôi thì cũng không đủ, mà trên hết rất cần định hướng cụ thể của cơ quan nhà nước, làm sao để các mắt xích liên kết, vận hành tốt với nhau” – bà Lý nhấn mạnh. Đối với cơ sở liên kết sản xuất Tiến Yên, Tân Cương, Thái Nguyên, tham gia mô hình VietGAP từ 2011. Theo đó, cơ sở sử dụng nhiều phân chuồng, phân xanh, phân vi sinh để bón cho cây chè, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi dùng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách). Điều này cho cây chè khỏe, chủ động quản lý sâu bệnh mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cao. Xu hướng chính hiện nay là sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường. Do đó, cơ sở Tiến Yên đã chủ động tham gia liên kết, tăng cường chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, đối với cơ sở Tiến Yên, việc ký kết thu mua nguyên liệu cũng như sản phẩm với các đầu mối lớn vẫn phải được đảm bảo, giúp người dân chủ động trong sản xuất chè. Đồng thời, nhà nước cũng cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người sản xuất chè an toàn có đất phát triển và mở rộng.
Đồng quan điểm này, HTX chè Tân Cương, Thái Nguyên xác định, phải sản xuất, chế biến ra những sản phẩm trà Thái Nguyên có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Trong bối cảnh còn khó khăn để mở rộng sản xuất an toàn, từ thực tiễn hoạt động, HTX chè Tân Cương cho rằng các cơ sở, HTX và doanh nghiệp sản xuất chè an tòan cần được hỗ trợ trong ứng dụng KHKT công nghệ cao, quảng bá và xây dựng thương hiệu, vay vốn ưu đãi… nhất là quản lý tốt khâu giám sát và bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng của các sản phẩm chè ở từng địa phương cũng như trên cả nước, tạo ra một sân chơi cạnh tranh công bằng, lành mạnh.
Có thể thấy, trong bối cảnh gia tăng sản xuất lớn, cạnh tranh cao, việc thu hút, lôi kéo người sản xuất nhất là người sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi, chính các doanh nghiệp sẽ là đối tượng phát huy vai trò tiên phong, thu hút người làm ăn chân chính đưa họ lên thành số đông. Thêm nữa, quản lý của cơ quan Nhà nước cũng cần phải điều chỉnh, rà soát, bổ sung chính sách để có những điều hành đáp ứng với thực tiễn sản xuất, giúp bà con nông dân thuận lợi trong sản xuất an toàn…/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét