Sản xuất chè Thái Nguyên theo tiêu chuẩn VietGap tại Định Hóa
Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh trà Thái Nguyên giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã lan tỏa, đi vào đời sống và đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân xã Phú Đình (Định Hóa), góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thủy, xã Phú Đình (Định Hóa) là một trong số những hộ nông dân sản xuất chè Thái Nguyên theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong ảnh: Ông Thủy kiểm tra chất lượng búp chè. |
Theo lời giới thiệu của ông Ma Tuấn Xem, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Đình, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, xóm Phú Ninh 1, xã Phú Đình (Định Hóa), một trong số những hộ nông dân SXKDG của xã đã thành công nhờ áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất chè. Trước đây, ông Thủy và các hộ nông dân trong xóm chưa chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nên chất lượng chè không cao, lợi nhuận thấp. Đến năm 2006, ông được Hội Nông dân cử đi tập huấn và tham gia “Mô hình chế biến chè an toàn” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức. Đổi mới tư duy sản xuất trà Thái Nguyên, gia đình ông đã đưa tôn quay innox, máy vò chè, mô tơ điện vào công đoạn sao, sấy chè nên giảm được sức lao động, nâng cao chất lượng chè. Bên cạnh đó, ông cũng chuyển đổi một phần diện tích chè trung du già cỗi sang giống chè cành, áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất. Ông Thủy cho biết: “Nhờ áp dụng quy trình VietGAP, gia đình tôi đã giảm đáng kể chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong khi cây chè vẫn phát triển tốt, chất lượng được nâng lên. Trước đây, gia đình tôi bán được từ 100-120 nghìn đồng/kg chè búp khô thì nay đã tăng lên 160-250 nghìn đồng/kg. Với hơn 8 nghìn m2 chè, mỗi năm gia đình tôi thu được gần 100 triệu đồng”.
Ở xã Phú Đình, không chỉ có ông Thủy mà rất nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Xã hiện có 21 gia trại chăn nuôi lợn, bò, dê, cá đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ông Hoàng Văn Tiến với mô hình chăn nuôi vịt, ông Ma Đình Được làm giàu từ nuôi ba ba... Có được kết quả này một phần là do Hội Nông dân xã đã triển khai có hiệu quả phong trào Nông dân thi đua SXKDG. Trong 5 năm (từ năm 2012 đến 2016), toàn xã có trên 2.530 hội viên nông dân đăng ký danh hiệu hộ SXKDG các cấp. Số lượng hội viên đăng ký tăng theo từng năm, nếu như năm 2012, xã có 250 hộ nông dân đăng ký thực hiện phong trào, thì đến năm 2016 đã có 637 hộ đăng ký tham gia, trong đó có 3 hộ đạt danh hiệu SXKDG cấp huyện.
Ông Ma Tuấn Xem, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: Phong trào “Nông dân thi đua SXKDG nhằm đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững” luôn được Hội Nông dân xã quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Để đưa phong trào đến 22 chi hội nông dân trong toàn xã, Hội Nông dân xã đã chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Hội Nông dân đang triển khai thử nghiệm một số mô hình, như: Chăn nuôi vịt bầu cổ xanh, trồng nấm sò. Bên cạnh đó, Hội cũng có các biện pháp hỗ trợ phong trào như tư vấn và giới thiệu về mục đích ý nghĩa của phong trào, mời cán bộ khuyến nông về trao đổi khoa học kỹ thuật, tư vấn về xu hướng và thế mạnh của địa phương.
Từ các hoạt động đó đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nông dân để từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè Thái Nguyên và nông nghiệp và chăn nuôi mang lại hiệu quả. Cũng từ phong trào này, các hội viên đã nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thi đua làm giàu, xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, phong trào còn gặp một số những khó khăn, như: Còn một bộ phận nông dân chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu; sự liên kết kinh doanh giữa các hộ nông dân còn hạn chế; sản phẩm nông sản làm ra chất lượng không đồng đều, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, trong thời gian tới, Hội sẽ đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt giữa các hội viên để trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất góp phần tạo sự liên kết giữa các hội viên nông dân, giúp nhau làm giàu chính đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét