Khách Tây cũng mê hái chè Thái Nguyên
Thông qua sự tài trợ của cơ quan Hỗ trợ phát triển Quốc tế CIDA và Liên đoàn Đô thị Canada - Làng văn hóa du lịch cộng đồng Tân Cương, T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được thành lập. Đến nay, đã sau hơn 6 năm đi vào hoạt động (từ 2012), làng nghề chè Thái Nguyên đã tiếp đón hàng vạn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) cho biết: Các vùng chè ở Thái Nguyên đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Nhiều du khách nước ngoài đến vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) để trải nghiệm cuộc sống với nông dân |
Cách trung tâm T.P Thái Nguyên 10km, xã Tân Cương, vùng đất được mệnh danh: “Đệ nhất danh trà” đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Mỗi năm, vùng đất này đón tiếp hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm cùng nông dân về cách trồng, thu hái và chế biến chè. Nhiều du khách về đây đã phát biểu cảm tưởng: Nông dân Tân Cương không hổ danh là “Đệ nhất danh trà”. Thứ ẩm thực họ làm từ ngọn lá là cả một nghệ thuật, một khoa học được đúc kết lại từ ngàn đời.
Một doanh nhân làm du lịch ở Thái Nguyên đã nói ví von với tôi: Tân Cương giống như một sơn nữ xinh đẹp ngủ quên trong rừng vừa thức dậy. Tuy chưa hết ngái ngủ, nhưng lại mang cái vẻ đẹp hồn nhiên hoang sơ của miền sơn dã, giống như người con gái trong câu chuyện tình huyền thoại nàng Công, chàng Cốc…
Là nói hình tượng như thế, nhưng tôi cảm nhận được ở vùng đất Tân Cương, chẳng cần tô vẽ thêm màu mè gì, thì Tân Cương không chỉ là đệ nhất danh trà, mà còn là vùng đất sơn - thủy hữu tình, phù hợp cho những “tao nhân mặc khách”, túi thơ, bầu rượu chu du thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, ngắm núi Guộc, sông Công và đi du thuyền Hồ Núi Cốc.
Nhưng hấp dẫn, ấn tượng hơn đối với du khách là được đi trên những nương chè tròn trịa hình bát úp, ngắm nhìn từng nét cắt phân định các lô chè, hàng chè rồi bất chợt nhận ra ở đây, một sức sống mãnh liệt của loài cây quý được người nông dân tần tảo trồng, bón, thu hái về xao xấy thành món ẩm thực xưa kia chỉ dành cho người quyền quý hoặc bậc vua, chúa thưởng thức.
Trước lúc đến vùng chè Thái Nguyên này, chúng tôi ghé thăm “Không gian văn hóa trà Tân Cương”, được nghe “thuyết trình viên” khái quát về lai lịch của cây chè trên vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Nhìn những thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, củi lửa… và như cách giới thiệu của nữ “thuyết trình viên”, thì phụ nữ vùng chè Tân Cương chắc chắn phải là những mĩ nhân đẹp người, đẹp nết và có công phu tuyệt đỉnh.
Vì trong khi chế biến chè, họ phải liên tục vục đôi tay của mình vào chảo nóng, giống như các võ sư ở chùa Thiếu Lâm Tự Trung Quốc luyện món Chảo công. Vậy mà trên dọc đường qua các lô chè đến xóm Hồng Thái 2 của xã Tân Cương, chúng tôi gặp những phụ nữ nền nã, dù đã dùng khăn che kín mặt giống người theo Đạo hồi, nhưng vẫn bắt gặp được ánh mắt sắc nét, thanh tú mà từ lâu nay, người cả nước ta vẫn gọi: “Người đẹp xứ trà”.
Vùng đất Hồng Thái 2 được các chuyên gia ngành chè Việt Nam đánh giá là địa chỉ cho ra sản phẩm trà ngon nhất của “Thủ phủ” chè Tân Cương. Cụ Ngô Thị Khẩn tự hào: Năm 2014 này tôi tròn 80 tuổi, nhờ uống trà điều độ mỗi ngày nên tôi ít bị ốm đau. Tôi có thể đọc báo không cần kính; có thể nghe chương trình văn nghệ trên Đài tiếng nói Việt Nam mà không cần dùng trợ thính…
Nói xong, bà lại xoay tít chiếc sàng trên tay làm những búp chè khô chạy thành vòng tròn, thi nhau rơi rào rào xuống cái nia đặt phía dưới. Giây lát, trên mặt sàng chỉ còn lại thứ chè bồm, chè vón.
Đỡ lời mẹ, anh Trần Văn Thắng, con rể của cụ Khẩn cho biết: Dù không phải là nghệ nhân của làng chè, nhưng mẹ tôi chỉ cần hà hít vào vốc chè là biết phẩm cấp của từng loại sản phẩm, giá bán được bao nhiêu tiền 1 kg. Còn trong nhà tôi, chè làm ra phục vụ từ người tiêu dùng bình dân, hơn 100.000 đồng/kg; đến cả người thu nhập cao, đặt làm riêng loại chè hái độc phần nõn búp (chè đinh), với giá hơn 5 triệu đồng/kg.
Thế mới hay: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Kể từ thuở cổ nhân dùng bếp củi, đun thứ nước hứng từ giời để pha trà, cho đến thời hiện đại dùng bếp điện, đun nước máy để pha trà đãi đằng khách, chẳng bảo nhau, nhưng người thưởng trà thường khi đưa chén nước sóng sánh xanh, trên miệng chén còn phủ làn khói mỏng tang, mang hương nồng ngậy thơm của đất, trời, thoảng khẽ một kích thích vào tì vị thì ai nấy thảng thốt, đọc câu: “Bình minh sổ tràn trà/Nhất nhật cứ như thử/Lương y bất đáo gia”.
Trở lại với câu chuyện nông dân Tân Cương làm du lịch, anh Bùi Trọng Đại, một chủ hộ tham gia làm du lịch cộng đồng ở vùng chè Tân Cương cho biết: Gia đình tôi đã đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Nhiều đoàn khách khi đến tham quan, nhất là người nước ngoài, họ xin được sống hòa nhập với gia đình, như việc được đeo sọt lên đồi hái chè, được ngồi bên bếp lò xao chè và tự đóng gói sản phẩm.
Ông Jhon Henson, du khách người Đức đã rất thú vị khi được đi hái chè. Song ông thấy bối rối vì phát hiện ở ngón tay có màu đen. Ông Jhon Henson đã ấp úng hỏi: Nó có làm ảnh hưởng tới sức khỏe không? Tôi giải thích: Đó là nhựa chè, một loại chất ta lanh khi uống trà thấy dìu dịu đắng rồi thấy ngọt hậu… Ông Jhon Henson và mấy người bạn Đức cùng xòe tay nhìn cái vết đen, cười xòa vui vẻ.
Nhợ độ cuối năm 2016, đang tiết trời Đông, cả vùng chè Tân Cương chợt tràn ngập nắng, các hộ tham gia làm du lịch phấn chấn: “Ơn giời” cho nắng ấm, cho cơ hội tốt để dân chúng tôi đón tiếp, phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần trà Tân An ở xóm Hồng Thái 2 cho biết: Du khách đến Tân Cương là để trải nghiệm, chẳng may gặp trời mưa, sẽ chỉ ngồi uống trà chứa không thể lên đồi hái chè được… Vừa khi đó, phía ngoài ngõ có tiếng ồn ào, chúng tôi nhìn ra thấy Công chúa Azizah Iskandar, bang Terengganu (Malaysia) cùng đoàn du khách gần 50 người vừa đi, vừa ngắm cảnh vật thiên nhiên. Ai nấy hào hứng, trò chuyện cởi mở, ông Dương cho biết: Công chúa và đoàn khách đã đăng ký đến nhà tham quan đồi chè, tìm hiểu về quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến và nghệ thuật thưởng trà từ gần 1 tháng nay.
Công chúa Azizah Iskandar, bang Terengganu (Malaysia) cùng du khách tham quan, trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương |
Chủ, khách bắt tay xã giao, kéo nhau vào bàn trà, chưa uống xong ấm trà đã nóng lòng rủ nhau lên đồi… Ông Phạm Hồng Phong, người cùng xóm cho biết: Không chỉ du khách người nước ngoài mới đi hái chè để trải nghiệm, mà cả người Việt Nam, chủ yếu sinh sống ở thành phố và các tỉnh đồng bằng, họ rất thích được trải nghiệm cùng nông dân vùng chè Thái Nguyên.
Ở xóm, hiện có gần 170 hộ sinh sống, có hơn 10 hộ đăng ký làm du lịch trải nghiệm, trong đó có các hộ: Bùi Trọng Đại, Lê Quang Nghìn, Trần Văn Thái và Lê Văn Toán đăng ký cho khách nghỉ lưu trú... Ông Lê Quang Nghìn, một nông dân làm chè giỏi ở Tân Cương khề khà: Tham gia làm du lịch, nông dân chúng tôi được cán bộ cơ quan chức năng Nhà nước về hướng dẫn cho kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật nấu ăn, pha trà và học thêm ngoại ngữ. Ví dụ: Hello là xin chào; goodby là tạm biệt…
Anh Đại cho biết thêm: Nhiều du khách các nước: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha… đến đây, họ rất thích được người dân bản địa chúng tôi dạy nói bằng tiếng Việt; thích đi hái chè, lội ao bắt cá, lên đồi đuổi gà… rồi cùng vào bếp nấu ăn. Về tiền dịch vụ bãi hái chè: Mùa Hè thu 500.000 đồng, mùa Đông thu 1 triệu đồng, hái được bao nhiều thỏa sức.
Về tiền ăn, tùy theo nhu cầu của du khách, song hầu hết các món đều có gia vị chè. Số tiền thu về thực ra chưa tương xứng với công sức bỏ ra, song bà con đều phấn khởi vì được đón tiếp khách đến thăm nhà, và thông qua “họ”, sản phẩm chè của người nông dân được chắp cánh bay xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét