Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

không khí thoáng mát trong lành trên những đồi chè Thái Nguyên

Làng nghề chè Thái Nguyên phát huy mối đoàn kết để phát triển

Đến Làng Cả, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống thanh bình và không khí thoáng mát trong lành trên những đồi chè Thái Nguyên xanh ngắt, xen với những ngôi nhà xây, mái ngói khang trang. Trên các nương chè, từng đoàn các chị, các cô vừa thu hái vừa râm ran chuyện trò. Ông Dương Văn Biển, Bí thư Chi bộ cho biết: Việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế theo kiểu đổi công khi đến vụ gặt lúa, hái chè được duy trì thường xuyên. Qua đó mà tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt. Đây cũng là điểm thuận lợi góp phần tạo nên thành công trong xây dựng đời sống văn hóa của xóm có 120 hộ dân với 464 nhân khẩu này.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Làng Cả là xóm thuần nông, kinh tế phụ thuộc vào cây chè, cây lúa. Trước kia đời sống của người dân rất khó khăn, thu nhập bình quân chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm. Để giải quyết được vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, Chi bộ và Ban vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" của xóm đã khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đoàn kết giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế. Phát huy thế mạnh của địa phương là có thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè Thái Nguyên phát triển, người dân đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng và chế biến chè do huyện và các ngành tổ chức. Từ đó, nhiều người dân trong xóm đã được trang bị các kiến thức về cây chè và sản xuất sản phẩm chè. Ngoài cây chè trung du đã có từ lâu đời của địa phương, nhiều người dân mạnh dạn đưa cây chè cành giống mới về trồng thử và đã thu được hiệu quả cao. Dần dần, người dân trong xóm đã chuyển đổi được 15ha trên tổng số 24ha chè của toàn xóm sang trồng chè LDP1 và các giống chè cành khác…
Ước tính mỗi năm, người dân trong xóm sản xuất được hơn 20 tấn chè búp khô thương phẩm, với giá bán bình quân tại chỗ 150 nghìn đồng/kg. Có thể nói, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng mức thu nhập của người dân hiện nay lên 18 triệu đồng/người/tháng; nếu như năm 2000 xóm có 40 hộ nghèo thì đến cuối năm 2016, xóm chỉ còn 14 hộ nghèo theo chuẩn mới. Cùng với phát triển kinh tế, người dân cũng tích cực giữ gìn môi trường chung sạch đẹp. Những loại rác sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật luôn được thu gom gọn gàng, để đúng nơi quy định chờ đưa đi xử lý, tiêu hủy. 100% người dân đều nhiệt tình tham gia dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn cảnh quan, môi trường chung của xóm.
Kinh tế phát triển đã tạo thuận lợi để cán bộ xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mọi công việc của xóm đều được phổ biến rộng rãi, các hộ gia đình cùng Ban vận động bàn bạc đi đến thống nhất thực hiện. Các khoản thu, chi của xóm đều được dán công khai dán tại nhà văn hóa xóm để người dân cùng biết, rất rõ ràng. Các khoản đóng góp hàng năm đều được thu đầy đủ. Đến nay, xóm đã xây dựng được nhà văn hóa, sân tập thể thao ngoài trời. 100% đường làng ngõ xóm được dải cấp phối giúp bà con đi lại dễ dàng thuận tiện hơn.
Xóm Làng Cả có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Công tác kế hoạch hóa gia đình ở đây luôn được thực hiện có hiệu quả, vì vậy nhiều năm nay, trong xóm không có người sinh con thứ 3. Gia đình chị Trần Thị Loan là một ví dụ. Tuy sinh con một bề là gái, nhưng anh chị đã quyết định dừng ở lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Chị Loan chia sẻ, khi biết vợ chồng tôi không sinh thêm con thứ 3, nhiều người khuyên nhủ nên sinh thêm một cậu con trai để nỗi dõi tông đường. Nhưng vợ chồng tôi đều có chung suy nghĩ rằng, gái hay trai đều là con cả, cần phải cho các con điều kiện tốt nhất để trưởng thành. Do đó, chúng tôi dừng lại không sinh thêm con thứ ba. Chị Loan cho biết thêm, trong xóm còn có 5 gia đình khác cũng sinh con gái một bề, chúng tôi cùng được cán bộ xóm và các đoàn thể vận động, tuyên truyền, nên nhận thức được những khó khăn, vất vả khi sinh nhiều con, vì vậy đều dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

Năm 2016, trên 95% số hộ trong xóm đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% trẻ em đều được đi học đúng độ tuổi; trong xóm không còn nhà dột nát; mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều được thực hiện nghiêm…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét