Trà Thái Nguyên với giá trị đẳng cấp Thế giới
Đã đến lúc người Thái Nguyên, đặc biệt là người làm chè xứ Thái phải thừa nhận rằng: Dù được tôn vinh là đệ nhất danh trà Thái Nguyên nhưng Thái Nguyên - thủ phủ trà Việt vẫn còn thiếu rất nhiều những sản phẩm trà có giá trị và đẳng cấp thế giới.
Thực tế ấy bị chính thương hiệu đóng đinh và ánh hào quang đã mặc định khiến cho chè Thái chỉ độc tôn ở thị trường nội tiêu.
Có thể tự hào rằng, mỗi kg chè Thái Nguyên bán ở thị trường trong nước có giá trung bình cao gấp 2 - 3, thậm chí là 4 hoặc 5 lần chè của các địa phương khác (giá chè trung bình hiện tại khoảng từ 150.000 - 500.000đ/kg). Trong khi đó, giá chè xuất khẩu trung bình của Việt Nam mới chỉ đạt ngưỡng xấp xỉ 2 USD. Niềm kiêu hãnh ấy khiến người làm chè không cần hoặc muốn nghĩ đến việc thay đổi phương thức sản xuất?
Chuyển hướng
Bà Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc Cty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Thái Minh, TP Thái Nguyên cho biết, có rất nhiều sản phẩm chè của Việt Nam (không phải là chè Thái Nguyên) đang được xuất khẩu với giá 100, 500, 1.000 USD/kg và còn hơn thế nữa. Tại sao lại không tạo ra được nhiều những sản phẩm chè Thái Nguyên có giá cao như vây? Quan trọng hơn cả là việc sản xuất chè an toàn sẽ phải là xu thế tất yếu, là đòi hỏi cấp thiết để đổi thay phương thức. Chỉ đổi thay mới có sản phẩm chè có giá trị, chất lượng cao, đổi thay mới vươn được ra tầm thế giới. Nếu không thì chỉ bằng lòng chấp nhận giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên vốn dĩ đã đứng yên từ bấy lâu nay.
Tìm được đối tác có nhu cầu bao tiêu sản phẩm chè an toàn, tháng 8/2016, Cty Thái Minh đã chọn địa bàn xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ) để đầu tư, sản xuất chè hữu cơ. Văn Hán được coi là xã vựa chè của huyện Đồng Hỷ với gần 1.000ha chè và 8/17 làng được công nhận làng nghề chè truyền thống. Vậy nhưng chè Văn Hán lại không thuộc nhóm nổi tiếng như Tân Cương, Trại Cài, La Bằng, Hùng Sơn… Giám đốc Thảo chia sẻ, cái cần của doanh nghiệp là tư liệu sản xuất, là sự đồng thuận, nỗ lực tự nguyện thay đổi của người dân. Những điều kiện đó thì Văn Hán lại đáp ứng được.
Người dân xã vựa chè Văn Hán sản xuất chè hữu cơ |
Ban đầu, Cty Thái Minh làm thử nghiệm với vài ba hộ dân. Gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở xóm Phả Lý có gần 0,7ha chè, trong đó có 0,3ha trồng chè cành và 0,4ha trồng chè trung du. Chị cho biết: “Gia đình tôi trồng chè từ rất lâu rồi, trước đây, cũng như những hộ khác, tôi vẫn thực hiện việc chăm sóc cây chè bằng các loại thuốc hóa học có bán sẵn trên thị trường. Mỗi lần phun thuốc xong, cả nhà tôi ai cũng thấy mệt mỏi, khó chịu vì hít phải mùi độc hại. Ngoài ra, đất trồng cũng bị thoái hóa, không được màu mỡ”.
Bắt đầu từ tháng 8/2016, Cty Thái Minh phối hợp với gia đình chị Vân thực hiện việc trồng chè hữu cơ trên toàn bộ diện tích 0,7ha của gia đình. Mô hình này được triển khai sau khi Cty đã tiến hành khảo nghiệm tại 4 hộ khác trong xã Văn Hán. Theo đó, toàn bộ quy trình sản xuất chè hữu cơ của gia đình chị được sự hỗ trợ của Cty. Từ hệ thống tưới nước phun mưa đến phân vi sinh, thuốc trừ sâu thảo mộc.
Chị Vân cho biết, thời gian đầu áp dụng trồng chè hữu cơ, chị thấy khá lúng túng, sản lượng cũng có phần sụt giảm so với trước, nhưng đến những lứa chè sau, sản lượng tăng dần, chất lượng được đảm bảo hơn và giá bán cũng cao hơn nhiều.
Chị Vân cho biết: “Việc sử dụng các loại phân vi sinh, thuốc thảo mộc khiến chúng tôi đi ra đồng về không còn cảm thấy choáng váng, mệt mỏi. Phun thuốc trừ sâu xong vẫn thấy khỏe mạnh, khoan khoái. Bây giờ, người nông dân hoàn toàn yên tâm về sự an toàn trong quá trình canh tác. Với đà này, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè hữu cơ của gia đình lên hơn 1ha”.
Cụ thể, trong lứa chè Thái Nguyên đầu tiên, gia đình chị thu được hơn 2 tạ chè búp khô, hiện nay sản lượng đã lên tới gần 2,5 tạ và với hình thức canh tác cũ chỉ bán được 100.000 - 150.000 đồng/kg chè, thì nay giá chè hữu cơ đã được bán với giá 200.000 - 250.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm gia đình cũng không phải lo vì Cty Thái Minh sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trước khi xuất bán, sản phẩm của gia đình sẽ được nhân viên kỹ thuật của Cty và chính quyền xã Văn Hán xác nhận đã tuân thủ đúng quy trình chăm sóc và chế biến chè.
Phát triển
Từ thành công ban đầu của những hộ làm chè hữu cơ như gia đình chị Vân, tháng 11/2016, xã Văn Hán đã thành lập 2 Tổ hợp tác sản xuất chè sạch chất lượng cao xóm Thái Hưng và xóm Phả Lý. Ông Nguyễn Trọng Vân, tổ trưởng THT Thái Hưng cho biết, cả tổ có tổng diện tích gần 2,5ha chè, 100% là chè cành. Mặc dù mới áp dụng hình thức trồng chè hữu cơ được gần một tháng, song các thành viên trong tổ đều nhận thấy việc trồng chè theo hình thức này thực sự an toàn cho con người, tạo môi trường trong sạch và điều quan trọng nhất là sản phẩm chè đặc biệt an toàn.
Anh Nguyễn Văn Tân là thành viên trong THT khoe, gia đình có 0,5ha trồng chè, từ khi áp dụng phương pháp trồng chè hữu cơ, sức khỏe người làm chè tốt hơn, không khí môi trường trong lành, chất lượng chè đảm bảo hơn rất nhiều và đầu ra thì không phải lo vì được bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Ảnh: Đồng Văn Thưởng |
Ông Hoàng Anh Tuấn, cán bộ kỹ thuật Cty Thái Minh cho biết, những hộ tham gia sản xuất chè sạch đều ký cam kết với Cty Thái Minh trong việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và chế biến chè Thái Nguyên theo phương pháp hữu cơ. Đây chính là một thủ tục để khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp và các hộ nông dân trong việc tạo ra sản phẩm chè an toàn được giám sát từ khi sản xuất đến khi thành phẩm.
"Cty sẽ tiếp tục phối hợp, cung ứng phân vi sinh và thuốc trừ sâu thảo mộc để hỗ trợ bà con. Đồng thời, cam kết hỗ trợ đầu ra sản phẩm để người dân yên tâm canh tác. Định hướng của Cty là xây dựng Văn Hán trở thành vùng nguyên liệu sạch với quy mô lớn, sản phẩm chè Văn Hán sẽ không chỉ có mặt trên thị trường trong nước mà còn được đưa ra thị trường thế giới", ông Hoàng Anh Tuấn.
Đánh giá cao về mô hình sản xuất chè hữu cơ của Cty Thái Minh, ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết, dù mới đưa vào áp dụng từ năm 2016 nhưng mô hình đã thu hút sự tham gia của hơn 40 hộ trồng chè. Hầu hết người dân khi áp dụng mô hình sản xuất chè theo phương pháp hữu cơ đều hài lòng, bởi những loại phân bón, thuốc trừ sâu, hay quy trình kỹ thuật mà Cty Thái Minh áp dụng đem lại lợi ích rất lớn cho bà con nông dân. Năng suất, chất lượng chè ngày càng tăng và bà con không phải lo đầu ra sản phẩm, môi trường sống và sức khỏe của người dân được bảo đảm.
"Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Cty Thái Minh để nhân rộng mô hình này. Mong muốn của chúng tôi là thay đổi vùng chè ở Văn Hán, làm cho môi trường sống ở đây ngày càng trong lành, để người dân được sản xuất và sinh sống trong điều kiện tốt nhất. Sắp tới với thêm 2 xóm được công nhận làng nghề, Văn Hán sẽ phấn đầu là xã nghề chè trong tương lai gần", ông Vi Ngọc Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét