Chè Thái Nguyên ở thủ đô kháng chiến ATK Định Hóa
Xứ Trà Thái Nguyên là một trong những địa danh nổi tiếng về đèo dốc, rừng sâu, hang động, sông suối hiểm trở, nhưng lại có nhiều lợi thế về quân sự. Nhân dân các dân tộc nơi đây sẵn có truyền thống yêu nước, căm thù giặc và hăng say trong lao động. Chính vì vậy, với tầm nhìn chiến lược của Bác, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã cùng Trung ương Đảng trở lại chiến khu Việt Bắc lựa chọn làm địa điểm An toàn khu (ATK), trong đó có Định Hóa (Thái Nguyên) là ATK kháng chiến.
chè định hóa |
Người dân xã ATK Sơn Phú (Định Hóa) đang từng bước chuyển đổi giống chè trung du cằn cỗi sang trồng các giống chè Thái Nguyên cành lai cho năng suất, chất lượng cao. Trong ảnh: Nông dân thôn Phú Hội 1 thu hái chè chính vụ. Ảnh: Đức Anh |
Ngày 20-5-1947, Bác Hồ và một số cán bộ đã đến ở và làm việc tại Đồi Khau Tý, xóm Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc). Ít lâu sau, các cơ sở cách mạng đã được sớm nhân rộng. Thái Nguyên đã trở thành “Thủ đô kháng chiến - Thủ đô gió ngàn”. Và chính nơi đây, nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước, vận mệnh của dân tộc; các Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Trung Du (1950-1951), Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953-1954)…, đặc biệt là ngày 6-12-1953, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận đánh “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến. Cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng để lãnh đạo đất nước; viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” giúp cán bộ, đảng viên làm kim chỉ nam cho mọi hành động, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Trong những năm kháng chiến gian khổ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hết lòng bảo vệ ATK Trung ương, chở che cán bộ cách mạng, cùng bộ đội chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương. 128 điểm di tích lịch sử vẫn còn ghi, mỗi tên, điểm di tích đều được gắn liền với tên gọi của địa danh như: “Đồi Khau Tý”, “Tỉn Keo”, “Đồi Pụ Đồn”, “Cây đa Khuôn Tát”, “Thác Bẩy tầng”; “Đèo De”… tạo thành một quần thể di tích lịch sử. Năm 2012, ATK Định Hóa đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Sự kiện đó lại thêm một lần nữa khẳng định về vị trí, vai trò đặc biệt của ATK Định Hóa trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta.
Tự hào với truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, sáng tạo, vững niềm tin theo Đảng, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với những thành tích đó, sau ngày kháng chiến thành công, tỉnh ta đã vinh dự được đón Bác 7 lần về thăm. Thái Nguyên cũng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác… 83 tập thể, 17 cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 552 bà mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, nay đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh khá trong khu vực; Đảng bộ đoàn kết, nhân dân đồng thuận; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thu ngân sách năm 2016 đạt trên 9.600 tỷ đồng (phấn đấu đến năm 2018, tỉnh ta tự cân đối thu - chi về ngân sách); thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng (cao hơn mức bình quân chung của cả nước); giá trị xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD (đứng thứ 3 toàn quốc); chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, tỉnh ta đã thu hút được gần một nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký hàng chục tỷ USD…
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2017, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; điều hành của chính quyền; sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất kinh doanh trà Thái Nguyên phát triển ổn định, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 17,7% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trong cân đối trên địa bàn toàn tỉnh đạt 4.665,3 tỷ đồng, bằng 51,8% dự toán năm, tăng 20,2% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 6,9 tỷ USD, bằng 32,8% kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp ổn định. Các chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, công tác dân tộc, tôn giáo, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947 - 20/5/2017) và kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Người, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nguyện mãi mãi thực hiện lời dặn của Người khi về thăm tỉnh ngày 31-12-1963: “Tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét