Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

sản phẩm chè Thái Nguyên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Hiện nay, xã Tiên Hội (Đại Từ) có 311ha chè Thái Nguyên, trong đó có 293ha chè kinh doanh.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè Thái Nguyên, những năm gần đây, người làm chè Tiên Hội đã tích cực chuyển đổi giống, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh sản xuất chè an toàn.

nang cao chat luong cay che tien hoi
Người dân xóm Tiên Trường 1, xã Tiên Hội (Đại Từ) chăm sóc cây chè
5 năm gần đây, người dân Tiên Hội đã mạnh dạn chặt bỏ diện tích chè trung du già cỗi để trồng thay thế vào đó các giống chè lai cho năng suất, chất lượng cao như LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Thọ... Hiện nay, diện tích giống chè mới của xã chiếm tới 50%. Ông Trần Xuân Hoan, xóm Tiên Trường 1, hiện có 1,5ha chè giống mới cho hay: Những giống chè mới này chỉ sau 3 năm trồng có thể cho thu hoạch được. Giống chè mới sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, nước trà xanh và có hương thơm dịu nhẹ, quyến rũ nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cùng với việc chuyển đổi giống, người dân cũng đã tích cực thâm canh tăng năng suất cho cây chè. Yếu tố quan trọng nhất trong thâm canh là nâng cao năng suất, giá trị của cây chè Thái Nguyên thông qua việc sử dụng phân bón vi sinh. Đặc điểm của bón phân vi sinh là không bón phân khi trời mưa hay thời tiết nắng nóng, trung bình 2 tháng bón phân một lần. Ưu điểm của việc bón phân vi sinh là chất lượng chè sau khi thu hoạch không còn dư chất bảo vệ thực vật nên dễ tiêu thụ trên thị trường. Anh Dương Văn Trường, xóm Gò, có 7 sào chè giống Phúc Thọ 10 và LDP1, cho biết: Khi sử dụng phân vi sinh thì năng suất chè đạt 15kg chè búp khô/sào/lứa, tăng từ 10-20% so với trước. Với giá bán trung bình từ 150-200 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch từ 6-7 lứa, thu nhập bình quân đạt gần 150 triệu đồng/năm.
Từ việc chuyển đổi cơ cấu giống và đầu tư thâm canh tốt dẫn đến năng suất chè của xã đã tăng đáng kể. 6 tháng đầu năm, sản lượng chè búp tươi của xã đạt 1.600 tấn, tăng 100 tấn so với cùng kỳ năm 2016.
Người dân Tiên Hội rất phấn khởi khi năng suất, sản lượng chè đang tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người dân Tiên Hội buộc phải quan tâm tới việc sản xuất chè an toàn. Và sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP là sự lựa chọn của bà con. Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên được thực hiện tại xóm Tiên Trường 1 vào năm 2015. Mô hình đã thu hút được 25 hộ tham gia trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10,3ha. Đến cuối năm 2015, số diện tích này đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp đến, năm 2016, 31 hộ trong xóm Tiên Trường 2 đã tham gia sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 15ha.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, xóm Tiên Trường 1, khi tham gia mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình này cần phải thực hiện nghiêm ngặt tất cả các khâu từ chăm sóc, bón phân, dùng thuốc trừ sâu định kỳ, đến thu hoạch, chế biến và ghi chép sổ nhật ký... Sản xuất chè theo quy trình này, tất cả các hộ dân ở trong xóm đã hạn chế tối đa việc dùng thuốc diệt cỏ và thay vào đó là dùng máy cắt cỏ để không làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Chất lượng sản phẩm chè được nâng cao đồng nghĩa với việc giá bán cũng nâng lên. Nếu bà con trồng chè theo phương thức truyền thống chỉ bán được với giá từ 90-100 nghìn đồng/kg thì sản phẩm chè Thái Nguyên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bán được với giá 190-250 nghìn đồng/kg, tăng gấp rưỡi so với trước, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đang được nhân rộng trên địa bàn. Chị Trần Thị Tình, cán bộ khuyến nông huyện phụ trách xã Tiên Hội chia sẻ: Hiện nay, giá trị kinh tế từ cây chè đã tăng hơn 30% so với năm 2015, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Tuy đã đạt được những hiệu quả nhất định nhưng cây chè ở Tiên Hội cũng gặp những khó khăn do chưa có sự liên kết trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Bà con vẫn phải tự mang sản phẩm ra chợ để bán chứ chưa có doanh nghiệp đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm ổn định. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc cây chè còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Một vài vụ gần đây do mưa nhiều nên gây ra hiện tượng sâu bệnh, bọ xít làm ảnh hưởng phần nào đến năng suất, chất lượng chè.
Ông Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội cho rằng: Để cây chè cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân trên địa bàn xã chuyển đổi giống chè; tăng cường các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa trong thu hoạch, chế biến. Bên cạnh đó, UBND xã cũng sẽ tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn chất lượng cao và tìm những biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chè cho bà con nông dân...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét