Vùng trà xanh Thái Nguyên ở Phổ Yên phát triển như thế nào?
So với các địa phương khác của T.X Phổ Yên, Phúc Tân thuộc nhóm đi sau về phát triển cây trà xanh Thái Nguyên và kinh tế - xã hội bởi có xuất phát điểm thấp, nằm ở xa nhất so với trung tâm và hạ tầng giao thông còn kém phát triển. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, đời sống của bà con trong xã đã có bước chuyển tích cực nhờ phát huy được những lợi thế của địa phương.
Ông Trần Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Phúc Tân cho biết: Nhìn một cách tổng thể, Phúc Tân chẳng có lợi thế gì ngoài đồi núi. Nằm giáp với dãy núi Tam Đảo với điều kiện tiểu thời tiết mát mẻ hơn, cùng nguồn nước của hồ Núi Cốc nên thuận lợi cho phát triển cây chè. Thực tế, rừng sản xuất và chè là hai lĩnh vực nông nghiệp mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương.
Đi qua những vùng trồng chè chính của xã Phúc Tân như: xóm 1, 2, 4, 6… chúng tôi cảm nhận được không khí sản xuất của bà con nông dân thật nhộn nhịp. Nơi tấp nập thu hái chè lứa mặt, chỗ đào luống để bón phân tổng hợp, nhiều diện tích lại đang được san gạt, tạo mặt bằng cho vụ trồng chè mới. Tại vườn của gia đình anh Nguyễn Kim Chu, ở xóm 1 đang có gần chục nhân công thu hái chè. Hỏi về thu nhập của gia đình, anh phấn khởi nói: Chè đầu năm nên rất được giá, bán búp tươi tại vườn khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, còn sao khô thì mỗi kg có thể được gần 300.000 đồng. Ở đây có nguồn nước thuận lợi nên tôi đầu tư đồng bộ hệ thống tưới phun tự động, có thể chủ động việc bón phân, phun thuốc trừ sâu và điều chỉnh phần nào thời vụ thu hái. Cây chè đã giúp gia đình tôi có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Gia Chinh, Bí thư Chi bộ Đồng Vầu (gồm các xóm 1, 2 và 3) cho biết: Ở Phúc Tân những gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm nhờ cây chè không hiếm. Mấy năm trở lại đây, diện tích chè ở các xóm phát triển rất nhanh. Riêng ở xóm 1 đã có khoảng 20ha trà ngon, hầu hết là chè giống mới. Không chỉ mở rộng về diện tích, bà con còn quan tâm đầu tư chăm sóc để nâng cao giá trị và chất lượng chè. Mô hình của gia đình anh Ngô Đức Lộc, Phó Bí thư Chi bộ Đồng Vòng là một ví dụ. Với hơn 4.000m2 chè cành, có hệ thống tưới phun tự động, anh còn chăn nuôi hơn 50 con lợn thịt. Năm 2016 vừa rồi, có lứa gia đình anh Lộc thu được trên 40 triệu đồng từ chè.
Theo thống kê, toàn xã Phúc Tân hiện có gần 250ha chè. Trong đó diện tích chè giống mới chiếm hơn 70%, năng suất trung bình đạt trên 115 tạ búp tươi/ha/năm. Nhằm từng bước nâng cao giá trị cây chè, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông Phổ Yên thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 5ha, với 30 hộ thuộc xóm 4 và 6 tham gia. Bước đầu đã cho những kết quả khả quan. Theo lộ trình, trong năm nay xã tiếp tục nhân rộng mô hình này với quy mô 20-30ha tại xóm xóm 1, 2, 8 và 9.
Cùng với cây chè, trồng rừng sản xuất cũng là thế mạnh được Phúc Tân tập trung phát triển. Hiện nay xã có trên 2.000ha rừng, trong đó rừng sản xuất khoảng 700ha. Trồng rừng gắn với các cơ sở chế biến gỗ ở địa phương đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình. Ông Lê Văn Chín, ở xóm 9 phân tích: Nếu có đất đồi thì trồng rừng sản xuất là một trong những hình thức mang lại hiệu quả kinh tế nhất. Mỗi héc-ta rừng sau một chu kỳ từ 5-7 năm bỏ rẻ cũng bán được từ 80 đến 100 triệu đồng. Bà con lại được hỗ trợ giống và một phần phân bón nên rất thuận lợi. Công chăm sóc cũng rất đơn giản, thời gian 1-2 năm đầu, mỗi năm bà con mất khoảng 2 lượt phát cỏ, sau chỉ cần phát cành và chặt tỉa cho phù hợp. Gia đình ông Chín hiện cũng có gần 10ha rừng, khai thác luân phiên mỗi năm cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con trên địa bàn xã hầu như không để đất trống. Trung bình mỗi năm, Phúc Tân trồng được 50-60ha rừng. Các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn vì thế cũng khá phát triển, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ông Trần Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã thông tin thêm: Nguồn thu từ trà xanh thái nguyên và rừng đã giúp đời sống người dân cải thiện đáng kể, với mức thu nhập bình quân đạt gần 25 triệu đồng/người/năm. Đây là nguồn nội lực tốt để bà con có thể cùng Nhà nước thực hiện các tiêu chí về hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, từ đó phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Chúng tôi cũng rất hy vọng Dự án Khu du lịch tâm linh hồ Núi Cốc sẽ sớm hoàn thành, tạo cú hích để phát triển kinh tế - xã hội chung cả tỉnh, trong đó có Phúc Tân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét