Hướng đi mới là trồng chè Thái Nguyên với mô hình hữu cơ
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp không chỉ khiến cho nông sản mất an toàn, mà còn để lại hậu quả ô nhiễm môi trường do tồn dư hóa chất. Trước thực trạng trên, việc áp dụng nông nghiệp hữu cơ hiện nay đang được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người và vật nuôi, đồng thời tạo môi trường sống trong lành, bền vững. Mô hình sản xuất trà xanh thái nguyên hữu cơ (chè sạch) ở xã Văn Hán (Đồng Hỷ) là một điển hình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, có gần 0,7ha trồng chè, trong đó có 0,3ha trồng chè cành và 0,4ha trồng chè trung du. Gia đình chị vẫn chăm sóc cây chè bằng các loại thuốc hóa học có bán sẵn trên thị trường. Mỗi lần phun thuốc xong, cả nhà ai cũng thấy mệt mỏi, khó chịu vì hít phải mùi độc hại. Ngoài ra, đất trồng cũng bị thoái hóa, không được mầu mỡ. Bắt đầu từ tháng 8-2016, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xuất nhập khẩu Thái Minh, T.P Thái Nguyên (Công ty Thái Minh) phối hợp với gia đình chị Vân thực hiện việc trồng chè hữu cơ trên toàn bộ diện tích 0,7 ha của gia đình. Mô hình này được triển khai sau khi Công ty đã tiến hành khảo nghiệm tại 4 hộ khác trong xã Văn Hán. Chị Vân cho biết: Thời gian đầu áp dụng trồng chè hữu cơ, tôi thấy khá lúng túng, sản lượng cũng có phần sụt giảm so với trước, nhưng đến lứa chè sau, sản lượng tăng dần, chất lượng được đảm bảo hơn và giá bán cũng cao hơn nhiều. Cụ thể, trong lứa chè đầu tiên, gia đình chị thu được hơn 2 tạ trà ngon búp khô, hiện nay sản lượng đã lên tới gần 2,5 tạ và với hình thức canh tác cũ chỉ bán được 100.000 - 150.000 đồng/kg chè, thì nay giá chè hữu cơ đã được bán với giá 200.000-250.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, Công ty Thái Minh còn nhận ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trước khi xuất bán, sản phẩm của gia đình sẽ được nhân viên kỹ thuật của Công ty và cán bộ phụ trách sản xuất Nông, lâm nghiệp xã Văn Hán kiểm duyệt xác nhận quy trình chăm sóc, chế biến chè theo các điều kiện tiêu chuẩn sản xuất an toàn chè hữu cơ. Với sự chung tay vào cuộc của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương trong quản lý chất lượng và hướng dẫn quy trình đã tạo động lực thúc đẩy cho mô hình trồng chè sạch của gia đình chị Vân tiếp tục mở rộng diện tích. Chị Vân cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích lên thêm trên 1ha ngay trong năm 2017 này.
Từ thành công ban đầu của gia đình chị Vân, tháng 11-2016, xã Văn Hán đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất trà bắc sạch chất lượng cao xóm Thái Hưng với 16 thành viên. Ông Nguyễn Trọng Vân, tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Cả tổ có tổng diện tích gần 2,5ha chè, 100% là chè cành. Mặc dù mới áp dụng hình thức trồng chè hữu cơ được gần một tháng, song các thành viên trong tổ đều nhận thấy việc trồng chè theo hình thức này thực sự an toàn cho con người, tạo môi trường trong sạch và điều quan trọng nhất là sản phẩm chè an toàn tuyệt đối. Anh Nguyễn Văn Tân, thành viên trong Tổ hợp tác cho biết: Gia đình có 0,5ha trồng chè, từ khi áp dụng phương pháp trồng chè hữu cơ, tôi thấy sức khỏe tốt hơn, không khí môi trường trong lành, chất lượng chè đảm bảo và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Xã Văn Hán hiện có trên 800ha chè kinh doanh, trong đó có khoảng 500ha chè cành, còn lại là diện tích trồng chè trung du với năng suất đạt 120 tạ/ha, sản lượng gần 2.200 tấn chè búp khô. Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Hiện nay, xã có khoảng 40 hộ trồng chè hữu cơ, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng trà xanh Thái Nguyên hữu cơ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư về dịch vụ phân bón và xây dựng cơ sở chế biến chè tại chỗ, xây dựng Văn Hán trở thành vùng nguyên liệu chè an toàn của cả tỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét